Chủ trì Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến và các Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Ngô Sách Thực, Nguyễn Hữu Dũng, Phùng Khánh Tài.
Dự Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương và hơn 600 đại biểu ở điểm cầu Trung ương, địa phương và các Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Mặt trận dự kiến giám sát 6 nội dung trên toàn quốc
Phát biểu khai mạc, ông Đỗ Văn Chiến nêu rõ, Hội nghị có hai nội dung quan trọng là thống nhất ý kiến, kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi tới Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; thông qua Chương trình giám sát phản biện xã hội năm 2023 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, việc góp ý kiến thông qua dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa đảm bảo nguyên tắc, vừa góp phần nâng cao chất lượng tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước; đồng thời là bước nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng thông qua Chương trình giám sát phản biện xã hội năm 2023, trên cơ sở đó sẽ thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ theo Quy chế phối hợp và Nghị quyết liên tịch đã ký kết.
“Đây là một nhiệm vụ không mới nhưng điều chỉnh cách làm để đảm bảo nguyên tắc, đồng thời tăng cường tính hệ thống trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên”, ông Đỗ Văn Chiến khẳng định.
Trước đó, trong kế hoạch giám sát và phản biện xã hội năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự kiến 6 nội dung giám sát, 3 nội dung phản biện chung trên toàn quốc để xin ý kiến Đoàn Chủ tịch. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, nội dung giám sát, phản biện được đại biểu tham dự Hội nghị thống nhất sẽ tiến hành triển khai trong phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội sẽ thực hiện từ 1 - 2 cuộc giám sát, phản biện xã hội. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố sẽ thực hiện thêm một số cuộc giám sát, phản biện xã hội tùy theo tình hình thực tế của địa phương hoặc theo chỉ đạo của cấp ủy địa phương.
Theo ông Đỗ Văn Chiến, cần điều chỉnh dần cách làm như trên để đảm bảo tối đa nguyên tắc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, hoạt động theo nguyên tắc hiệp thương, thống nhất, phối hợp hành động, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị các đại biểu dự Hội nghị phát huy dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết vào các nội dung thảo luận. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ chỉ đạo tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện báo cáo.
Trình bày Tờ trình cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực nêu rõ, dự thảo Báo cáo được kết cấu, bố cục gồm 2 phần: Phần I - Về tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của cử tri và nhân dân; Phần II - các kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi tới Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Trong đó, các nội dung tâm tư, nguyện vọng và ý kiến của cử tri, nhân dân được trình bày theo các vấn đề lớn, mỗi vấn đề thể hiện ở 3 khía cạnh: Những vấn đề cử tri và nhân dân tin tưởng, phấn khởi, đánh giá cao; Những vấn đề cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng; Những kiến nghị, đề xuất của cử tri và nhân dân. Từ những nội dung trên, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự kiến gửi tới Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV 5 kiến nghị.
Cũng tại Hội nghị, ông Ngô Sách Thực đã trình bày Tờ trình cho ý kiến vào Kế hoạch giám sát năm 2023 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gồm 6 nội dung: Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư một số dự án trọng điểm quốc gia, một số dự án chậm tiến độ, đầu tư dở dang ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; Giám sát việc công khai, minh bạch, thực hiện thủ tục hành chính Nhà nước liên quan đến lĩnh vực đất đai; Giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân của các bộ, ngành, địa phương; Giám sát việc triển khai các công trình đầu tư vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số (theo Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025); Giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác khuyến học, xây dựng xã hội học tập; Giám sát việc thực hiện Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.
Kế hoạch phản biện của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gồm 3 nội dung: Phản biện xã hội Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (trình Quốc hội lần 2); Phản biện xã hội Dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi); Phản biện xã hội Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Ngoài ra, các tổ chức chính trị - xã hội cũng tiến hành giám sát, phản biện xã hội theo chức năng và nhiệm vụ của mình.
Huy động trí tuệ tổng thể trong hoạt động phản biện xã hội
Góp ý kiến tại Hội nghị, ông Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng tình với nội dung 6 chuyên đề giám sát trong năm 2023. Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Đường, cần triển khai từ 1 đến 2 vụ việc giám sát cụ thể được người dân quan tâm, qua đó đề xuất kiến nghị để góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật. Đồng thời, ông Trần Ngọc Đường cho rằng, cần chấm dứt tình trạng góp ý bằng văn bản trong phản biện xã hội bởi nhiều văn bản góp ý còn sơ sài, trong khi phản biện xã hội cần sự góp ý chu đáo, tâm huyết, huy động trí tuệ tổng thể của các nhà khoa học để đạt hiệu quả cao nhất.
Về dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quan tâm tới vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, Đảng đã có các quy định về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, kiểm soát quyền lực, quy định các điều đảng viên không được làm. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang hoạt động rất hiệu quả.
“Đảng nói phải dựa vào dân để làm việc này, tuy nhiên thời gian qua, vai trò của người dân chưa được thể hiện rõ. Trong khi công tác phòng, chống tham nhũng đã có sự tham gia của các cơ quan báo chí (trong phát hiện vi phạm), công an (trong điều tra), Tòa án (trong xét xử), vậy vai trò của nhân dân ở đâu?”, ông Lù Văn Que trăn trở.
Do đó, ông Lù Văn Que đề nghị Mặt trận cần chỉ rõ dân cần làm gì, cần làm như thế nào và ai bảo vệ người dân trong quá trình tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cần phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “giặc nội xâm”.
Bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến của Đoàn Chủ tịch tại Hội nghị để hoàn thiện báo cáo, gửi tới Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV bảo đảm tiến độ, chất lượng, tạo niềm tin, sự đồng thuận xã hội. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị về chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội năm 2023, tiếp tục thống nhất với Chính phủ, Quốc hội theo quy định pháp luật, hoàn thiện và ban hành, triển khai trong hệ thống Mặt trận.