Thanh Hóa: Vẫn còn nhiều xã, thôn bị cô lập do mưa lũ

Ngày 14/10, sau 4 ngày bị cô lập và chia cắt hoàn toàn, phóng viên đã tiếp cận được với vùng lũ Nông Cống (Thanh Hóa), nơi có 25/32 xã bị ngập nặng do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới vừa qua.

Đoàn viên, thanh niên huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) ra quân giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Do mực nước rút chậm, hiện tại, huyện Nông Cống vẫn còn 3 xã vùng tâm lũ gồm: Tân Khang, Trung Chính, Vạn Thiện vẫn đang trong trong tình trạng ngập sâu, bị cô lập và chia cắt hoàn toàn. Hiện cuộc sống của người dân vùng lũ nơi này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Là một trong những xã bị ngập sâu nhất sau ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, đến nay, xã Tân Khang, huyện Nông Công vẫn đang còn hai thôn với hàng trăm nhân khẩu bị cô lập hoàn toàn.

Toàn bộ tuyến đường liên xã đã bị ngập sâu từ 2 đến 3m, có nơi ngập đến 5m, giao thông đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Hàng trăm ngôi nhà bị cô lập do nước lũ bao quanh, có nhà nước dâng vào sâu từ 15-20 cm.

Những gia đình bị ngập sâu đã được chính quyền và các lực lượng chức năng sơ tán, di dời đến khu vực an toàn.

Biển nước cũng đã nhấn chìm toàn bộ diện tích lúa chưa thu hoạch hết và hoa màu của người dân nơi đây. Mặc dù đã được thông báo về những diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, tuy nhiên do nước lũ dâng quá nhanh, người dân không kịp trở tay.

Nhiều hộ nuôi cá trên địa bàn ngậm ngùi nhìn hàng chục tấn cá trôi theo dòng nước lũ. Các hộ chăn nuôi lớn theo mô hình tập trung, trang trại “khóc ròng” vì hàng nghìn gia súc, gia cầm bị dòng nước lũ cuốn trôi.

Với 6,5 ha ao, gia đình anh Nguyễn Văn Sỹ, thôn 7 xã Tân Khang nuôi 2,5 nghìn cá trắm, 8 vạn cá gáy, 2 vạn cá rô phi… tất cả đã đến thời kỳ thu hoạch.

Mặc dù đã dùng phương án vây lưới quanh ao để chắn cá, tuy nhiên, do mưa lớn kéo dài, hồ thủy điện xả lũ cộng với triều cường lên nhanh, gia đình anh đành bất lực nhìn hơn 30 tấn cá trôi theo dòng nước lũ.

Gia đình anh Nguyễn Văn Đề, xóm 7, xã Tân Khang, Nông Cống đã vay mượn ngân hàng mạnh dạn đầu tư trang trại chăn nuôi vịt gốc, gà kết hợp nuôi cá.

Tuy nhiên, nước lũ dâng quá nhanh, gia đình anh mất trắng 500 con vịt gốc, hàng trăm con gà đẻ trứng bị chết do không di chuyển kịp. Ngoài ra, mưa lũ  tràn vào ao cuốn theo hơn 4 tạ cá đến thời kỳ thu hoạch của gia đình anh…

Không chỉ tại xã Tân Khang, hiện nay trên địa bàn huyện Nông Cống vẫn còn hai xã với 4 thôn vẫn đang bị cô lập hoàn toàn.

Các tuyến đường vào xã bị nước lũ bao quanh, phương tiện duy nhất để tiếp cận vào xã là thuyền, bè, ca nô, nên công tác cứu trợ cũng gặp không ít khó khăn khi tiếp cận để đưa hàng cứu trợ.

Tuy nhiên, những ngày qua, UBND huyện Nông Cống đã chỉ đạo các địa phương nỗ lực huy động lực lượng phòng chống lụt bão xuống các thôn nằm trong vùng bị ngập lụt, đưa người già, neo đơn, gia đình chính sách ra khỏi vùng ngập.

Các địa phương đã kịp thời phối hợp với các lực lượng cứu trợ đưa mỳ tôm, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết đến với đồng bào vùng lũ, đảm bảo không ai bị đói trong những ngày này…

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Nông Cống, đến nay, mưa lũ đã làm 1 người chết; hơn 5.000 hộ bị ngập, trong đó có 487 hộ phải di dời khẩn cấp. Thiệt hại về người và tài sản ước tính hơn 4,6 tỷ đồng…

Ngoài ra, mưa lớn kết hợp với việc xả lũ cống Hoàng Kim trên sông Hoàng, xả lũ hồ Yên Mỹ trên sông Thị Long cộng với triều cường dâng cao khiến cho 25/32 xã của huyện Nông Cống ngập sâu trong nước.

Các tuyến đê bối, đê bao bị tràn gây ngập sâu như đê Ngọc Lẫm xã Trường Giang; đê làng Thị Xương xã Tượng Văn; đê bao Tế Độ, Kỳ Đà xã Tế Nông; đê sông Nhơn đoạn qua các xã Tân Thọ, Tân Khang, Trung chính, Trung thành...

Trong số 25 xã bị ngập, có một số xã ngập nặng như làng Bòng, làng Kén, làng Cát Lễ xã Tượng Sơn; thôn Đồng Cốc xã Công Bình; thôn Tế Độ, xã Tế Nông; hai thôn xã Vạn Thiện; 3 thôn xã Tân Khang, 3 thôn xã Trung Chính, 2 thôn xã Tân Thọ và ngập lụt cục bộ một số điểm trên địa bàn...

Hiện nay, UBND huyện Nông Cống vẫn đang tập trung lực lượng cứu trợ kịp thời cho các hộ dân vùng ngập lụt, vùng bị cô lập về nước lũ; thăm hỏi động viên các gia đình có nạn nhân bị chết.

Trong đó, Hội Chữ Thập đỏ và các doanh nghiệp đã cứu trợ kịp thời 2.000 chai nước uống, hơn 5.000 thùng mỳ tôm cho nhân dân vùng lũ cùng nhiều nhu yếu phẩm cần thiết khác.

Để khắc phục hậu quả sau mưa lũ, UBND huyện Nông Cống đã ban hành công văn trực tiếp chỉ đạo UBND các xã tăng cường các biện pháp chống dịch, đảm bảo vệ sinh môi trường sau lũ; cung ứng kịp thời hoá chất xử lý nước sinh hoạt, nước giếng khơi cho các xã bị cô lập và ngập nặng….

Khiếu Tư (TTXVN)
Vào vùng rốn lũ Thạch Định, Thanh Hóa
Vào vùng rốn lũ Thạch Định, Thanh Hóa

Đập vào mắt chúng tôi mênh mông là nước. Những ngôi nhà cấp 4 chỉ thấy mái ngói. Con đường bê tông liên xã đã không còn bóng dáng, chỉ còn hàng cột điện cao 6 mét bị ngập quá nửa; rơm rạ, cành cây gẫy trôi dạt bám đầy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN