Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, tại Kết luận sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020, Bộ Chính trị đã đồng ý để TP Hà Nội triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận, tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật. Ngay sau khi Kết luận được ban hành, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ soạn thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội.
Mục tiêu của Đề án là xây dựng chính quyền đô thị TP Hà Nội theo hướng đô thị thông minh, phù hợp với xu hướng phát triển và quản lý trong thời kỳ mới, trong đó tập trung vào mô hình tổ chức chính quyền tại khu vực đô thị (quận, thị xã, phường) và tiếp tục đổi mới, củng cố chính quyền nông thôn (huyện, xã, thị trấn).
Ông Vũ Đức Bảo - Tổ trưởng Tổ soạn thảo Đề án cho biết, Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP Hà Nội có kết cấu gồm bốn phần: Sự cần thiết, căn cứ và cơ sở xây dựng Đề án; Thực trạng tổ chức chính quyền thành phố; Định hướng và nội dung tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị thành phố; Tổ chức thực hiện đề án.
Xác định đổi mới tổ chức chính quyền đô thị là một nội dung lớn, khó và chưa có tiền lệ, Ban Thường vụ, Tổ soạn thảo bày tỏ mong muốn với kinh nghiệm thực tiễn quản lý và kết quả nghiên cứu trong nhiều năm, các chuyên gia, các nhà khoa học, nguyên lãnh đạo thành phố sẽ đóng góp ý kiến về phương án tổ chức chính quyền đô thị cũng như lộ trình thực hiện đảm bảo hợp lý, khả thi.
Góp ý vào dự thảo Đề án, hầu hết đại diện Hội đồng Lý luận Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, nguyên lãnh đạo thành phố đều cho rằng, tổ chức chính quyền đô thị Hà Nội cần mang tính đặc thù của một Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Thông - Trợ lý Chủ tịch Quốc hội đánh giá, dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP Hà Nội là dự thảo toàn diện, rõ nhiều vấn đề, có tính khả thi cao. Tuy nhiên, Hà Nội là một Thủ đô vừa có thành thị, vừa có nông thôn nên cần tập trung vào nhiệm vụ đa dạng hóa tổ chức chính quyền, đảm bảo phù hợp với cả 2 khu vực.
Chung quan điểm cần đa dạng hóa tổ chức chính quyền, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, đổi mới chính quyền đô thị ở Hà Nội là cần thiết, song thành phố không nên chỉ dừng lại ở tổ chức chính quyền đô thị mà nên mạnh dạn nghiên cứu xây dựng chính quyền Thủ đô, mang tính đặc thù của một trung tâm chính trị.
Xây dựng chính quyền đô thị Thủ đô Hà Nội cũng là ý kiến của nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên và Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Vũ Văn Hiền. Hà Nội cần thận trọng trong từng bước đi để tổ chức chính quyền đảm bảo hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhân dân.
Hà Nội là đô thị đặc biệt, là một trong số các siêu đô thị của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, Hà Nội đang phải đối mặt với những thách thức lớn về đô thị. Tốc độ gia tăng dân số cao, nhu cầu của người dân ngày càng tăng, bởi vậy đổi mới tổ chức chính quyền là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, việc xây dựng Đề án cũng hết sức phức tạp, nặng nề.
Tiếp thu ý kiến của Hội đồng Lý luận Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học và các nguyên lãnh đạo thành phố, Ban chỉ đạo và Tổ soạn thảo Đề án sẽ làm rõ mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ xây dựng chính quyền Thủ đô theo mô hình đô thị đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân, phù hợp với tiềm năng, vị thế của Thủ đô.