Trước đó, Thủ tướng Chính phủ nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, về việc quản lý, sử dụng công trình Bảo tàng Hà Nội, lý do điều chuyển Bảo tàng Hà Nội về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trả lời chất vấn trên, Thủ tướng Chính phủ cho biết, tại Điều 47 Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29/6/20002 quy định cụ thể về phân loại hệ thống bảo tàng công lập ở Việt Nam, trong đó có bảo tàng cấp tỉnh. Căn cứ các điều kiện, thẩm quyền quyết định thành lập bảo tàng quy định tại Điều 49, Điều 50 Luật Di sản văn hóa, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập bảo tàng cấp tỉnh, là đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch của địa phương.
Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 quy định: "Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cơ bản có 1 bảo tàng cấp tỉnh (giai đoạn đến năm 2021) và tiếp tục duy trì 1 bảo tàng cấp tỉnh cho giai đoạn đến năm 2030".
Công trình Bảo tàng Hà Nội khánh thành từ năm 2010 nhưng phải bổ sung, điều chỉnh lớn, gần như cấu trúc lại hoàn toàn nội dung trưng bày, do việc mở rộng phạm vi hành chính của Thủ đô, nên đến nay vẫn chưa hoàn thành trưng bày nội thất để có thể chính thức mở cửa đón khách tham quan.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa (trong đó có hệ thống bảo tàng) chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả công trình Bảo tàng Hà Nội.