Hoa cho ngày thầy thuốc
Kỷ niệm ngày Thầy thuốc 27/2, nhiều tỉnh, thành đã tôn vinh các y, bác sĩ, đặc biệt là những y, bác sĩ trong tuyến đầu chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, những ngày qua tại TP Hồ Chí Minh, liên tiếp nhiều bệnh viện, cơ sở y tế thông báo không tổ chức lễ, không nhận hoa, quà vào dịp kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.
Đây là năm thứ 2 nhiều đơn vị y tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đồng loạt hủy bỏ các nghi thức kỷ niệm ngày tôn vinh chính họ, thay vào đó, các chiến sỹ áo trắng âm thầm lên tuyến đầu, vào tâm dịch, đẩy lùi dịch bệnh… Với họ, nụ cười của người dân, khúc khải hoàn của dân tộc khi chiến thắng dịch COVID-19 mới là bó hoa đẹp, trân quý nhất trong ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Quả thật như vậy, suốt 365 ngày của năm 2020 các thầy thuốc, nhân viên y tế, nhất là những người trên tuyến đầu đã sống và làm việc như những chiến binh quả cảm khi dịch COVID-19 xâm nhập và gây ra sự xáo trộn chưa từng có.
Những ngày đầu năm 2021, một lần nữa dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại nhiều địa phương trên cả nước khiến cho nhiều nhân viên y tế phải tạm xa gia đình lên đường làm nhiệm vụ. Không cần bất cứ lời hiệu triệu nào, nhiều người đã xung phong lên tuyến đầu, tiến vào tâm dịch.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hàng trăm bác sỹ khắp các bệnh viện đã luân phiên nhau thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ, các khu cách ly tập trung... Đến khi dịch bệnh lây lan mạnh tại một số địa phương khác như Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh..., thì khắp các bệnh viện từ Nam chí Bắc như Bạch Mai, Chợ Rẫy, Nhiệt đới, Nhân dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh... hàng trăm y, bác sỹ không ngần ngại xung phong lên đường, "chia lửa" với các đồng nghiệp ở vùng dịch.
“Chỉ cần có lệnh là chúng tôi lên đường", đó là tâm sự của không riêng Tiến sỹ, bác sỹ Phùng Mạnh Thắng, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Chợ Rẫy trước khi lên đường tiến vào tâm dịch mà cũng là quyết tâm của rất nhiều y, bác sỹ trên khắp cả nước. Có người đã phải hoãn lại đám cưới, có người không thể trở về khi người thân trong cơn “thập tử nhất sinh”, họ lựa chọn ở lại chiến đấu cùng đồng đội nơi tâm dịch với lời hứa “bao giờ hết dịch mới trở về”. Họ lên đường và chiến đấu trong tâm thế của một "chiến binh" như cách mà thế hệ cha anh từng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” thuở nào.
Không chỉ sẵn sàng lên tuyến đầu, cứu chữa cho người mắc COVID-19, những cán bộ y tế dự phòng đã rong ruổi khắp các “hang cùng ngõ hẻm” truy vết, điều tra dịch tễ để không bỏ sót, bỏ lọt bất cứ một nguy cơ dịch bệnh nào, dù là nhỏ nhất. Trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ở các địa phương có dịch như Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai... cán bộ y vẫn lặng lẽ đi lấy mẫu xét nghiệm “thần tốc” trong đêm, điều tra, truy vết. Khi cởi bỏ được bộ đồ bảo hộ cũng là lúc mặt trời đã ló dạng, năm mới đã bắt đầu. Nhờ thế, dịch bệnh đã được chặn đứng tại nhiều địa phương. Dù bỏ lỡ phút giây đón năm mới thiêng liêng bên gia đình người thân nhưng họ lại có một niềm vui khác cao cả hơn, đó là mang đến sự bình an cho hàng triệu gia đình.
Sau những vất vả, hi sinh, thứ mà những chiến binh áo trắng nhận lại là cảm xúc đẹp khi được trở lại một thời dấn thân của tuổi trẻ ở thời điểm đất nước còn khó khăn với nhiều hoạt động xung kích, tình nguyện thiết thực vì cộng đồng. Đó là cảm xúc hạnh phúc khi chứng kiến niềm vui vỡ òa của người bệnh và thân nhân nhận kết quả xét nghiệm âm tính, đủ tiêu chuẩn để xuất viện sau những ngày cách ly, điều trị. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc tuôn rơi, vỡ òa trong khoảnh khắc lá cờ Tổ quốc tung bay trong niềm hân hoan của người dân khu vực được dỡ bỏ phong tỏa.
Ngày tôn vinh những người thầy thuốc, một bác sỹ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh đã ước ao chỉ cần được tắt điện thoại và yên tâm ngủ một giấc thật ngon sau chuỗi ngày truy vết, điều tra, xét nghiệm. Có lẽ món quà ý nghĩa nhất đối với họ ngay lúc này là dịch bệnh được đẩy lùi, tất cả người dân được an toàn, cả thế giới cùng nắm tay nhau bước qua đại dịch.
Trong khi đó, những chiến sỹ áo trắng nơi tâm dịch Hải Dương, kỷ niệm 66 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay là ngày đáng nhớ nhất.
Trong cuộc chiến đầy cam go với dịch COVID-19 trong suốt thời gian qua, có được kết quả như hôm nay là sự góp sức không nhỏ của đội ngũ 1.000 cán bộ y, bác sĩ và sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương. Trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, họ - những chiến sỹ áo trắng đã làm việc không kể ngày đêm, tham gia công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm… Niềm vui lớn nhất đối với họ bây giờ, có lẽ là những lần công bố khỏi bệnh và trao giấy ra viện cho các bệnh nhân mắc COVID-19.
Với sự hướng dẫn của chuyên gia Bộ Y tế, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, đến nay Bệnh viện trường đã xây dựng xong quy trình điều trị, chăm sóc, kiểm soát nhiễm khuẩn... Trường cũng gắn thực hiện nhiệm vụ chống dịch và nghiên cứu khoa học, đảm bảo hoạt động phòng chống dịch theo tính chuyên nghiệp và khoa học hơn.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Thị Diệu Hằng, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương cho biết, xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng và khẩn trương nên Trường đã huy động tổng lực cán bộ, các thầy thuốc của trường, bệnh viện trường để cùng đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai vận hành Bệnh viện dã chiến. Lực lượng sinh viên tình nguyện đã tích cực tham gia hỗ trợ khử trùng, khử khuẩn, vệ sinh buồng bệnh phục vụ công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Các thầy thuốc và y bác sĩ đã làm việc không ngừng nghỉ để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.
Suốt gần 1 tháng qua, Bệnh viện dã chiến số 2 đã tiếp nhận 359 bệnh nhân, trong đó, bệnh nhi nhỏ tuổi nhất là 1 tháng tuổi và lớn tuổi nhất là 93 tuổi. Có 88 bệnh nhân đã khỏi bệnh và xuất viện. Trong số 11 bệnh nhân nặng, có bệnh nhân phải thở máy, lọc máu nhưng đến nay các bệnh nhân đều đã qua cơn nguy kịch, đang chuyển biến tốt.
Bên cạnh lực lượng phục vụ công tác điều trị tại Bệnh viện dã chiến, giảng viên và sinh viên, Trường còn tham gia hỗ trợ điều tra dịch tễ, truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm. Trong đó, có trên 600 sinh viên tình nguyện hăng hái tham gia phòng chống dịch.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Thị Diệu Hằng chia sẻ: "Chúng tôi luôn xác định mang trên mình trọng trách của người thầy thuốc và người thầy giáo, khi có dịch xảy ra thì thầy và trò trường y là lực lượng xung kích. Vì vậy, năm nay do dịch, không có lễ kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam nhưng chúng tôi cũng thấy rất vui và tự hào vì đã đóng góp một phần cùng chung tay chung sức để điều trị các bệnh nhân COVID-19. Mỗi khi có một bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là một niềm vui rất to lớn đối với các y bác sĩ. Sự ghi nhận của bệnh nhân, của cộng đồng đối với những nhân viên y tế là sự động viên, khuyến khích lớn lao đối với những người thầy thuốc.
Hà Nội quyết định cho học sinh trở lại trường học vào ngày 2/3
Sáng 27/2, UBND thành phố Hà Nội đã có công văn về việc cho học sinh trở lại trường học sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội đồng ý với đề xuất của liên sở (Sở Giáo dục và Đào tạo cùng với Sở Y tế), học sinh sẽ trở lại trường học từ 2/3/2021.
UBND thành phố Hà Nội cũng đồng ý với đề xuất của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, sinh viên và học viên sẽ trở lại trường từ 8/3/2021.
Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cũng lưu ý các sở, ngành, các quận huyện cần phải nghiêm túc đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.
Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội làm việc cả ngày nghỉ để nhận hồ sơ đến hết ngày 28/2
Trong những ngày qua, nhiều người dân “đổ xô” đến văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội để nộp hồ sơ. Nguyên nhân, theo Nghị định số 79/2019/NĐ-CP ngày 26/10/2019 của Chính phủ sửa đổi điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất, hộ gia đình, cá nhân đã được ghi nợ tiền sử dụng đất trước ngày 1/3/2016 mà chưa thanh toán, thì tiếp tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận (hoặc theo số tiền ghi trên giấy chứng nhận đã được xác định theo đúng quy định của pháp luật) đến hết ngày 28/2/2021.
Từ ngày 1/3, các hộ gia đình, cá nhân còn nợ tiền sử dụng đất mà chưa thanh toán, thì sẽ phải thanh toán số tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ. Trong khi đó, giá đất của năm 2021 trở đi cơ bản cao hơn giá đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận. Do vậy, mới xảy ra tình trạng một số chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội đang gia tăng về số người dân đến liên hệ làm thủ tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo quy định của Nghị định nêu trên.
Trước tình hình trên, ông Trần Anh Dũng, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội (Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hà Nội) cho biết, các văn phòng đăng ký đất đai tại các quận, huyện sẽ làm việc cả ngày nghỉ đến hết 28/2 và mở thêm các cửa tiếp nhận tại các quận có đông hồ sơ.
Theo thống kê, từ ngày 1/1-25/2, tại 28 chi nhánh của Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội có trên 3.000 hồ sơ. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các quận nội thành. Cụ thể, tại chi nhánh Ba Đình – Hoàn Kiếm – Đống Đa (số 10 Đặng Dung) tiếp nhận 1.163 hồ sơ; chi nhánh Thanh Xuân tiếp nhận 283 hồ sơ; chi nhánh Hoàng Mai tiếp nhận 256 hồ sơ; chi nhánh Long Biên là 236 hồ sơ…
Lịch tiêm lô vaccine AstraZeneca nhập khẩu có thể chậm hơn dự kiến
Bộ Y tế đang tiến hành đánh giá toàn bộ chất lượng lô vaccine AstraZeneca đã nhập khẩu với nguyên tắc đảm bảo tuyệt đối an toàn, vì vậy lịch tiêm có thể chậm hơn dự kiến.
Ngày 27/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Bộ Y tế đang cùng với Bộ Thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc đánh giá toàn bộ chất lượng lô vaccine nhập khẩu của AstraZeneca mới về Việt Nam, vì vậy, lịch tiêm 117.000 liều vaccine này có thể chậm hơn so với dự kiến ban đầu.
Nguyên tắc chung là phải bảm bảo tuyệt đối an toàn và hiệu quả sử dụng vaccine với người dân; vaccine phải được kiểm nghiệm an toàn trước khi tiêm cho người dân mặc dù được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp.
Vaccine AstraZeneca là một trong 2 vaccine được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá về độ an toàn sử dụng trong tình trạng khẩn cấp cấp phép trên phạm vi toàn cầu. Vaccine này đã cho thấy hiệu lực, mức độ bảo vệ khá tốt. Cụ thể, hiệu quả bảo vệ sau mũi 1 là 76%, sau mũi 2 là 81%; 100% các trường hợp được tiêm vaccine này được bảo vệ không tiến triển nặng hơn, tức là có thể có trường hợp mắc COVID-19 nhưng không nặng lên, không tử vong.
Việt Nam thêm 6 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, ghi nhận tại Hải Dương
Thông tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tính đến 18 giờ ngày 27/2, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 2.432 ca mắc COVID-19; trong đó có 1.530 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước.
Thông tin về 6 ca mắc mới ghi nhận trong nước tại Hải Dương bao gồm:
Ca bệnh BN2427 tại huyện Kim Thành là F1 của BN2405, BN2406, đã được cách ly tập trung từ ngày 24/2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 (Đại học Sao Đỏ cơ sở 2).
Ca bệnh BN2432 tại huyện Kim Thành là F1 của BN2405, đã được cách ly tập trung từ ngày 21/2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 (Đại học Sao Đỏ cơ sở 2).
Ca bệnh BN2428 tại huyện Kinh Môn là F1 của BN1712, đã được cách ly tập trung từ ngày 5/2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 (Bệnh viện Đại học Kĩ thuật y tế Hải Dương).
Tại thành phố Hải Dương ghi nhận 3 ca bệnh gồm: ca bệnh BN2429, BN2431, là F1 của BN2342, đã được cách ly tập trung từ ngày 18/2 và ca bệnh BN2430 là F1 của BN1863 và BN2237 đã được cách ly tập trung từ ngày 2/2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 (Bệnh viện Đại học Kĩ thuật y tế Hải Dương).
Như vậy, số lượng ca mắc mới do lây nhiễm trong nước trong 1 tháng qua (tính từ ngày 27/1 đến nay) là 837 ca tại 13 tỉnh, thành phố gồm Hải Dương (653), Quảng Ninh (61), Hồ Chí Minh (36), Hà Nội (34), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Hải Phòng (4), Điện Biên (3), Hưng Yên (3), Hòa Bình (2), Bắc Giang (2), Hà Giang (1).
Trong đó tất cả 12 tỉnh, thành phố đều có ca bệnh liên quan đến ổ dịch tại Hải Dương (là người trở về từ Hải Dương hoặc tiếp xúc với F0). Các tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên ghi nhận các trường hợp F1 trở về từ Hải Dương.