Ngày thứ hai tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội
Ngày 9/11, Quốc hội bước sang ngày thứ hai tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Những nội dung các đại biểu quan tâm chất vấn đều là vấn đề “nóng”, được cử tri và nhân dân quan tâm như: Giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới; nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với thiên tai; kinh phí đổi mới chương trình sách giáo khoa; việc triển khai công nghệ 5G tại Việt Nam; những giải pháp căn cơ trong phòng, chống thiên tai; nguyên nhân cơ bản của hiện tượng lũ lụt tại miền Trung; giải pháp đối với vấn đề biến đổi khí hậu; những giải pháp tạo việc làm, đảm bảo đời sống cho người lao động; nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam; vấn đề liên kết phát triển vùng; đạo đức cán bộ, công chức, công vụ…
Kết thúc 2 ngày chất vấn trong Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, có 92 đại biểu chất vấn; 27 đại biểu chờ chất vấn và 6 đại biểu chờ tranh luận.
Hai cơn bão chờ đổ vào miền Trung
Theo ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 12 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Trung Bộ từ đêm 9/11 đến sáng 10/11.Trong khi đó, cơn bão số 13 đã hình thành sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ trong khoảng ngày 14-15/11.
Ông Trần Quang Năng cảnh báo, ảnh hưởng của bão số 12 sẽ gây gió mạnh trên biển, khu vực giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 7 - 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 - 9, giật cấp 12, biển động rất mạnh, sóng biển cao từ 5,0 - 7,0 m. Từ đêm 9/11, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận có mưa bão, gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 - 9, giật cấp 12, biển động rất mạnh, sóng biển cao 4,0 - 6,0m.
Từ đêm 9/11, trên đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 9; vùng ven biển cấp 8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Ngãi, Ninh Thuận có gió giật cấp 6 – 7.
Cùng với đó, cảnh báo sóng biển, thủy triều và nước dâng do bão, khu vực giữa và Bắc Biển Đông sóng cao 5 – 7 m; Ven biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi 2 – 4 m, Bình Định đến Khánh Hòa 4 – 6 m. Ven biển Trung Bộ đang kỳ triều thấp, nước dâng do bão nhỏ nên ít có khả năng gây ngập úng vùng ven bờ.
Từ đêm 9/11 đến 12/11, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến phía Bắc Khánh Hòa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200 – 400 mm, các tỉnh từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có những điểm mưa đặc biệt to trên 500 mm/đợt; Quảng Bình, phía Nam Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có lượng mưa phổ biến 100 – 200 mm. Trong đó mưa lớn ở khu vực từ Bình Định đến Khánh Hòa và Tây Nguyên tập trung từ đêm 9 đến đêm 10/11.
Cùng với đó, từ đêm 9 đến 12/11, trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện 1 đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, bắc Tây Nguyên ở mức báo động 2 – báo động 3, có sông trên báo động 3; các sông ở Quảng Bình và khu vực nam Tây Nguyên ở mức báo động 1 – báo động 2, có sông trên báo động 2.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng, thấp, ven sông, khu đô thị các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên.
*Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cũng cảnh báo, chiều 9/11, áp thấp nhiệt đới ở vùng biển Đông Nam Philippines đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là VAMCO, sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo bão VAMCO sẽ mạnh lên nhanh trong 36 giờ tới với cường độ có thể đạt cấp 13 - 14, giật 16.
Dự báo cơn bão này sẽ đi vào Biển Đông trong khoảng ngày 12/11 và trở thành bão số 13 năm 2020. Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, cường độ mạnh nhất trên Biển Đông có khả năng đạt cấp 13-14, giật cấp 16.
Dự báo bão số 13 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ trong khoảng ngày 14-15/11.
Trước tình hình phức tạp của cơn bão số 12, đặc biệt dự kiến mưa lớn do bão gây ra sẽ tiếp tục gây sạt lở tại nhiều địa phương, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định đã sẵn sàng phương án di dời 1.073 hộ dân với gần 4.300 nhân khẩu ở nơi nguy hiểm đến nơi an toàn
Thư của Thủ tướng gửi cán bộ, chiến sỹ lực lượng Công an nhân dân
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có Thư gửi cán bộ, chiến sỹ lực lượng Công an nhân dân.
Trong thời gian vừa qua, tình hình thiên tai ở các tỉnh miền Trung diễn biến rất phức tạp, đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân. Trước tình hình trên, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các cấp, các ngành quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống bão lụt, khắc phục hậu quả nặng nề của mưa bão, lũ lụt.
Công an nhân dân là một trong những lực lượng tuyến đầu tích cực tham gia công tác phòng, chống thiên tai, cứu giúp nhân dân các tỉnh miền Trung chống chọi, khắc phục mưa lũ. Các đồng chí đã có những phương án, kế hoạch và triển khai thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự; duy trì trật tự an toàn giao thông; chỉ đạo, điều động lực lượng Công an các địa phương trực tiếp tích cực tham gia cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ, ủng hộ nhân dân các vùng bị mưa lũ lớn; bảo vệ an toàn các chuyến hàng cứu trợ của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân cả nước đến với đồng bào bị thiên tai.
Nhiều cán bộ, chiến sỹ Công an đã không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ, kịp thời có mặt ở những nơi khó khăn, nguy hiểm nhất để tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm, góp phần bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Trong đó, Đại úy Trương Văn Thắng, Công an xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã anh dũng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân vùng cao biên giới là một tấm gương điển hình, xứng đáng để toàn lực lượng chúng ta học tập, noi theo.
Thay mặt Chính phủ, tôi ghi nhận, đánh giá cao những kết quả, thành tích của lực lượng Công an nhân dân trong công tác bảo đảm an ninh, trật tư tham gia thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Đặc biệt, tôi nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi các cán bộ, chiến sỹ Công an ngày đêm tham gia trực tiếp cứu giúp nhân dân ra khỏi vùng lũ, vùng bị sạt lở đất đá ở các tỉnh miền Trung trong thời gian vừa qua. Những hành động có ý nghĩa thiết thực nêu trên thể hiện lực lượng Công an nhân dân không chỉ làm tốt vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội mà còn là chỗ dựa vững chắc của đồng bào, đồng chí cả nước trong những lúc khó khăn, hoạn nạn.
Trước tình hình mưa lũ còn kéo dài và diễn biến rất phức tạp trong thời gian tới, tôi đề nghị các đồng chí cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân đội và các cấp ủy, chính quyền địa phương, tiếp tục làm tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự; tích cực tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, không để tính mạng và tài sản của nhân dân bị đe dọa, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, góp phần làm ngời sáng thêm phẩm chất cao đẹp của người chiến sỹ Công an nhân dân “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Hai ca mắc mới COVID-19, Việt Nam có 1.215 bệnh nhân
Hai ca mắc mới đều là ca nhập cảnh được cách ly ngay ở Cần Thơ; thêm 17 bệnh nhân khỏi bệnh. Thông tin vừa được Bộ Y tế cho hay.
Như vậy, đến nay, Việt Nam đã có 1.215 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Thời gian qua, số ca mắc mới đều là những ca nhập cảnh, đã được cách ly ngay.
Hiện có hơn 14.400 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly).
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, có thêm 17 bệnh nhân được công bố khỏ bệnh. Đến nay, đã có 1.087 bệnh nhân đã khỏi bệnh, 28 bệnh nhân chuyển ca âm tính với SARS-CoV-2 ít nhất một lần; 35 ca tử vong; 4 ca tử vong sau khi âm tính từ ba đến bốn lần.