Giờ thực hành của học sinh lớp học điện công nghiệp, điện tử công nghiệp trường Cao đẳng nghề Tây Ninh. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN |
Ngày 18/3, theo ông McClay, kết quả đàm phán TPP về các vấn đề lao động là thành quả lớn nhất mà New Zealand đã đạt được trong một thỏa thuận thương mại và giải quyết các vấn đề như lao động trẻ em và lao động cưỡng ép. Toàn bộ 12 nước thành viên TPP phải thực hiện tuyên bố bảo vệ các quyền đàm phán tập thể, tự do lập hội, bãi bỏ lao động trẻ em và chấm dứt phân biệt giữa người làm công và giới chủ.
Bộ trưởng McClay nhấn mạnh với TPP, tất cả các nước cũng phải thông qua và thực thi các đạo luật quy định điều kiện làm việc, mức lương tối thiểu và an toàn lao động và chăm sóc y tế cho người lao động. Các nước thành viên cũng sẽ phải ngăn chặn việc khẩu hàng hóa được sản xuất bởi những lao động bị cưỡng ép, đồng thời khuyến khích các tập đoàn có trách nhiệm xã hội trong các vấn đề lao động.
Chương về lao động trong thỏa thuận TPP cũng quyết định thành lập một Hội đồng Lao động. Hội đồng này sẽ gồm các đại diện cấp cao của chính phủ các nước thành viên, có nhiệm vụ xem xét các vấn đề liên quan đến TPP và xem lại các quyết định của các bên trong TPP. Hội đồng này cũng có nhiệm vụ đánh giá lại chương về lao động 5 năm sau khi thỏa thuận có hiệu lực.
Bộ trưởng McClay cho biết đây là một chương quan trọng trong TPP, củng cố các luật về lao động tại New Zealand, bảo vệ người dân xứ sở Kiwi. Chương này cũng thúc đẩy thương mại và đem đến cho New Zealand nhiều lợi ích, trong đó có tạo việc làm mới.
TPP là hiệp định thương mại tự do đa quốc gia, với sự tham gia của 12 nước, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.