Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, Đại hội Hội luật gia dân chủ quốc tế lần thứ 18 diễn ra từ ngày 15-19/4 tại thủ đô Brussels. Sự kiện quy tụ gần 1.000 đại biểu là các luật gia, luật sư, những người đại diện cho phong trào xã hội, phong trào hòa bình đến từ khắp nơi trên thế giới.
Đại diện Hội luật gia Việt Nam và Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tham dự hội nghị. Đây là cơ hội để các luật sư, luật gia xem xét các vấn đề xã hội, trao đổi kinh nghiệm, bàn bạc thiết lập các cơ chế quốc tế, tập hợp lực lượng đoàn kết đấu tranh bảo vệ công lý, ủng hộ những người mà các quyền cơ bản của họ đã và đang bị vi phạm, trong đó có nạn nhân chiến tranh.
Thay mặt đoàn Việt Nam, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA), Nguyễn Văn Rinh đã có bài phát biểu chào mừng hội nghị. Chủ tịch VAVA Nguyễn Văn Rinh nhấn mạnh trong cuộc chiến tranh Việt Nam trước đây, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam gần 80 triệu lít chất độc hóa học trong đó có tới 61% là chất độc da cam, chứa 366 kg dioxine là loại chất độc có độ độc hại cao nhất. Gần 4,8 triệu người Việt Nam đã bị phơi nhiễm loại chất độc này trong chiến tranh. Hơn 3 triệu người hoặc đã chết, hoặc đang ngắc ngoải, đau đớn vì chứng bệnh hiểm nghèo.
Qua đại hội này, Chủ tịch VAVA Nguyễn Văn Rinh kêu gọi những người tham dự diễn đàn ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, lên tiếng vạch trần tội ác của những người đã gây ra thảm họa cho hàng triệu con người Việt Nam vẫn lẩn tránh công lý, đòi những người này phải có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân do họ gây ra.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Bỉ, Chủ tịch VAVA Nguyễn Văn Rinh mong muốn gửi thông điệp kêu gọi nhân dân thế giới đoàn kết để chống chiến tranh hóa học, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxine Việt Nam để họ có điều kiện hòa nhập cộng đồng ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Phát biểu tại phiên khai mạc, bà Jeanne Mirer, Chủ tịch Hội luật gia dân chủ quốc tế nhấn mạnh Đại hội là dịp để các đại biểu trao đổi kinh nghiệm, thiết lập các mạng lưới đoàn kết quốc tế nhằm hỗ trợ các hội viên tại các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Colombia, Philippines, do tính chất nghề nghiệp nên tính mạng của họ thường xuyên bị đe dọa.
Bà Jeanne Mirer cũng đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam tổ chức các hoạt động bên lề Đại hội như hội thảo về thảm họa chất độc da cam ở Việt Nam, diễn đàn đòi quyền sống cho các nạn nhân chất độc da cam và lên án các công ty hóa chất Mỹ vi phạm quyền con người và kêu gọi cộng đồng quốc tế, Hội luật gia dân chủ quốc tế thi hành luật pháp quốc tế đối với những người vi phạm quyền con người.
Trong thời gian diễn ra Đại hội, các đại biểu cũng thảo luận về các chủ đề như quyền được hưởng hòa bình, khủng hoảng và quyền của các dân tộc, tình hình Palestine và vi phạm luật pháp quốc tế, quyền được lao động và quyền công đoàn, quyền của những người di cư và đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, đấu tranh vì bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử.
TTXVN/Tin tức