Anh hùng trong kháng chiến
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, U Minh Thượng là nơi bộ đội, cơ quan, các tổ chức cách mạng các tỉnh miền Tây Nam bộ đã chọn để xây dựng và phát triển lực lượng kháng chiến đánh giặc như: Quân khu 9, Xứ ủy, Trung ương cục miền Nam, Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam bộ. Trong kháng chiến chống Mỹ, U Minh Thượng là căn cứ của Khu ủy, Quân khu 9, Tỉnh ủy Rạch Giá… cho nên Mỹ - Ngụy đã rắp tâm tìm mọi cách, bằng mọi thủ đoạn dã man, hòng phá tan thành trì cách mạng U Minh Thượng, mưu đồ “nhổ cỏ U Minh” của địch là một hành động tàn khốc, ác liệt đến mức khó tưởng tượng nổi. Thế nhưng, kẻ thù cũng không hiểu nổi vì sao trong hoàn cảnh khốc liệt ấy, người dân U Minh, cách mạng ở U Minh vẫn tồn tại và phát triển, lại là một căn cứ địa vững chắc giữa miền Tây Nam Bộ để từ đó, khởi nguồn bao nhiêu chiến công trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm vĩ đại trên vùng Tây Nam Tổ quốc. Những cái tên Cây Bàng, Xẻo Cạn, kênh chống Mỹ, Công Sự... đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân U Minh Thượng, như những chiến công oanh liệt, không thể phai mờ.
Căn cứ U Minh Thượng, nhân dân U Minh Thượng đã đùm bọc, nuôi dưỡng, bảo vệ, chở che rất chí nghĩa, chí tình cho đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta. Các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh, Lê Hồng Anh, Nguyễn Tấn Dũng.... đã từng sống, chiến đấu, gắn bó thân thiết với nhân dân trên vùng đất thủy chung anh dũng này. Biết bao đồng chí đã ngã xuống, mãi mãi nằm lại trên mảnh đất U Minh. Căn cứ địa cách mạng U Minh Thượng, chiến công của U Minh Thượng là một điểm son mãi mãi không thể phai mờ trong bản anh hùng ca bất diệt của quân và dân ta.
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, khi nhắc lại thời chiến tranh, Anh hùng Lao động Bành Văn Đởm, nguyên Trưởng Trại giam Kênh 7, nguyên Trưởng ban Quản lý rừng đặc dụng phòng hộ U Minh Thượng cho biết, ông tham gia cách mạng là bởi không chịu đựng được cảnh dân mình sống trong cảnh lầm than, “một cổ hai tròng”, bị đàn áp bởi địa chủ phong kiến và thực dân Pháp. Giờ đây, mỗi khi về U Minh Thượng, nhiều người biết đến ông như một huyền thoại, đó là một vị Đại tá Công an có nhiều Huân, Huy chương, cơ thể có nhiều thương tích; một vị đại tá có “chiêu” thu phục phạm nhân, bảo vệ rừng và tạo sinh kế cho hàng ngàn con người… Ông Đởm còn có hai người anh hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.
Quả thật không ngoa nếu nói ông Mười Đởm là “Người của rừng”, bởi cả đời ông đều gắn bó với rừng. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm” - hơn 90 tuổi, ông Mười Đởm vẫn minh mẫn, giọng cứng rắn, giàu lòng vị tha như cái thời ông còn làm Trưởng Trại giam Kênh 7. Hơn 30 năm trên cương vị này, ông Mười Đởm cảm hóa nhiều cuộc đời “lầm đường lạc lối”. Là trưởng trại cải tạo, ông tìm phương án cải tạo phạm nhân tốt để họ làm ra của cải; giáo dục người hư, phục hồi nhân cách trước khi trở về với xã hội.
Qua “lò luyện” của ông Mười Đởm, hàng ngàn phạm nhân trước đó phạm tội giết người, cướp của... đã có nghề thợ mộc, thợ hồ, thợ lò gạch... Thời điểm đất nước còn bộn bề khó khăn, ông Mười Đởm chỉ đạo phát sậy, bán nhà máy giấy, lò đốt, bán cá trong rừng để thuê xáng cạp múc các dòng kênh ngăn cháy rừng, đồng thời bảo vệ trên 1.000 ha rừng cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Sáng tạo trong xây dựng, phát triển quê hương
Bí thư Huyện ủy U Minh Thượng Trần Kiếm Phong cho biết, những năm đầu giải phóng, vùng đất U Minh Thượng đứng trước bao bộn bề khó khăn, thách thức. Kinh tế chậm phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn… Trước tình hình đó đặt ra cho Đảng bộ là phải nhanh chóng ổn định bộ máy, đẩy mạnh chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Đó chính là những trăn trở và cũng là trọng trách nặng nề của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện U Minh Thượng.
Điểm nhấn để U Minh Thượng có được như hôm nay, đó là tập trung phát triển kinh tế vùng đệm và hình thành 4 tiểu vùng sản xuất phù hợp với tình hình thực tế của huyện đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, hai xã nằm trong vùng đệm là An Minh Bắc, Minh Thuận quy hoạch trồng mía, dứa; trồng chuối xiêm trên đê bao, dưới ao nuôi cá đồng. Bên cạnh đó, phát triển trồng rau sạch, an toàn đặc trưng ở U Minh Thượng, như rau nụ áo, rau đắng đồng…; hình thành theo mô hình tôm - lúa, mô hình mía - lúa và mô hình lúa - chuối - cá- rau màu.
Bốn xã còn lại trên địa bàn huyện chuyển đổi diện tích trồng hai vụ lúa không hiệu quả sang mô hình tôm - lúa; tập trung trồng lúa chất lượng cao ở hai xã Thạnh Yên và Thạnh Yên A. Các xã ven sông Cái Lớn phát triển mô hình nuôi vọp; nuôi tôm công nghiệp; số diện tích còn lại ở một phần xã Vĩnh Hòa và Thạnh Yên chuyển đổi mô hình trồng màu, trong đó chú trọng trồng dưa hoàng kim, dưa hấu.
Bí thư Huyện ủy U Minh Thượng cho biết, từ một huyện nghèo, thuần nông, công nghiệp, thương mại, dịch vụ chậm phát triển, nhờ chuyển dịch đúng hướng, đến nay, kinh tế của huyện phát triển khá ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 14%. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi được tập trung đầu tư, phát triển tương đối đồng bộ, đảm bảo phục vụ cho người dân trong sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài. Đến nay, địa bàn huyện đã bê tông hóa trên 430 km đường giao thông nông thôn và xây dựng mới 155 cầu giao thông nông thôn, các tuyến đường trục chính liên xã và trên 70% đường giao thông ấp liền ấp được bê tông hóa; gần 90% hộ sử dụng điện an toàn; 98% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh.
Công tác bảo tồn, phát triển rừng được chú trọng quan tâm; công tác trồng mới rừng nguyên sinh và đa dạng sinh học được chỉ đạo thực hiện khá tốt tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học của Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Kết cấu hạ tầng du lịch được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, tạo ra bước phát triển có tính đột phá. Vườn Quốc gia U Minh Thượng, khu căn cứ Tỉnh ủy, Tỉnh đội, An ninh khu 9 đã tạo ra diện mạo mới và sức hấp dẫn du lịch của huyện. Đặc biệt, năm 2012, Vườn Quốc gia U Minh Thượng được công nhận là Vườn Di sản ASEAN; năm 2015, được công nhận là khu Ramsar thứ 2.228 của thế giới và thứ 8 của Việt Nam, mở ra cơ hội, vận hội lớn cho du lịch huyện U Minh Thượng.
Trước đây, kinh tế nông nghiệp còn phát triển độc canh cây lúa, chuyển dịch trong nông nghiệp còn yếu; tư duy, tập quán sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật của người dân còn rất hạn chế, sản xuất thiếu tập trung, chưa quy hoạch từng vùng sản xuất, mô hình sản xuất nhỏ lẻ. Đến nay, sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển khá toàn diện. Giá trị sản xuất nông nghiệp - thủy sản bình quân trên 1 ha canh tác đạt 105 triệu đồng (tăng gấp 3,5 lần so năm 2007). Sản lượng lương thực từ 127.864 tấn tăng lên 164.523 tấn. Huyện mạnh dạn chuyển đổi hơn 3.225 diện tích trồng lúa hai vụ không hiệu quả sang 1 vụ lúa - 1 vụ tôm; hình thành nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế khá cao và bền vững. Đời sống người nông dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt, từ đó đạt kết quả khá nổi bật. Đến nay, 3/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tạo ra diện mạo mới cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân huyện U Minh Thượng.
Các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo được thực hiện đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả. Đến nay, huyện đã xây dựng, sửa chữa 1.099 căn nhà tình nghĩa; 775 căn nhà đồng đội, nhà đại đoàn kết và 1.174 căn nhà cho hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo từ 20% năm 2015 giảm xuống còn 6,32% đầu năm 2020. Thành quả phát triển kinh tế kết hợp với giải quyết tốt các vấn đề xã hội đã làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân U Minh Thượng không ngừng được nâng lên. Huyện thực hiện tốt các chính sách đối với các gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công và chính sách hậu phương quân đội.
Theo ông Trần Kiếm Phong, Bí thư Huyện ủy U Minh Thượng, để có sự đổi thay như hôm nay, đó còn là công sức của các thế hệ đi trước tạo dựng, định hướng cho vùng đất này, trong đó người có công đầu là ông Bành Văn Đởm. Năm 1997, sau khi về hưu, ông Mười Đởm về làm Trưởng ban Quản lý rừng đặc dụng phòng hộ U Minh Thượng. Lúc này, ông Mười Đởm đau đáu: “Làm sao để bảo vệ rừng, làm giàu từ rừng, bà con sống được từ rừng”. Ông Mười Đởm tiếp tục “cuộc chiến mới”, bằng cách cho xáng cạp vào làm bờ bao, đưa dân vào vùng đệm sinh sống, lập nghiệp. Hàng ngàn mảnh đời cơ cực, được ông tạo sinh kế bám trụ với rừng, làm giàu từng rừng. Những việc làm đó đã làm nền tảng để giúp bà con vùng đất U Minh Thượng đổi đời, dần dần vươn lên.
Lão nông Danh Mưu, ngụ ấp Trung Đoàn, xã An Minh Bắc cho biết, giờ đây có cuộc sống ấm no là nhờ chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, trong đó có công của bác Mười Đởm. Trước đây, khi nhận đất, người dân nghèo, còn đất chỉ có cỏ và sậy mọc um tùm. Khó khăn quá, nhiều hộ chịu không nổi đã bỏ nhà đi xứ khác làm ăn. Có thời điểm, cả ấp này chỉ có khoảng 20 hộ dân. Thế nhưng, từ năm 2008, Nhà nước đầu tư cơ giới hóa lên vuông ở dưới nuôi cá, trên bờ trồng chuối. Từ mô hình này, ông Mưu tận dụng tối đa diện tích đất của gia đình và thuê thêm đất để canh tác, với quyết tâm thoát nghèo. Ngoài sản xuất 2,4 ha lúa, gia đình còn trồng chuối trên 4.000 m đất bờ bao. Trừ chi phí, nguồn thu nhập từ trồng chuối cho gia đình lợi nhuận trên 70 triệu đồng/năm. Ông Mưu còn thả nuôi cá nước ngọt trong vuông, hàng năm, thu hoạch từ lúa - cá đem lại lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình ông được cải thiện, vươn lên khá giả.
Bí thư Huyện ủy U Minh Thượng khẳng định, trong chặng đường mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân U Minh Thượng quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện với mục tiêu “Đảng bộ, quân, dân huyện U Minh Thượng phát huy tối đa các nguồn lực, ra sức thi đua, sáng tạo, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, phấn đấu đến cuối năm 2020, các xã và huyện cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Kinh tế - xã hội của huyện đạt mức khá trong vùng U Minh Thượng và trung bình khá trong tỉnh”.