* Ngày 11/5, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM 2) Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan, Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện chủ nhà Việt Nam tham dự Cuộc họp Đối tác chính sách về khoa học công nghệ đổi mới (PPSTI-10).
Phát biểu khai mạc Cuộc họp, Tiến sỹ Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hy vọng, trong cuộc họp Đối tác chính sách về khoa học công nghệ đổi mới (PPSTI-10), các nền kinh tế thành viên APEC tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong việc thúc đẩy các đề xuất mới theo chủ đề của Đối tác chính sách về khoa học công nghệ đổi mới vào năm 2017, trong đó tập trung vào các nghiên cứu ứng phó thảm họa thiên nhiên và chính sách hỗ trợ các hệ sinh thái khoa học công nghệ đổi mới trong khu vực APEC; dự án Chiến lược Đối tác chính sách về khoa học công nghệ sáng tạo ưu tiên; Cập nhật của nhóm phụ về các dự án quan trọng cũng như xác định chủ đề và các hoạt động dành cho Đối tác tri thức.
Quang cảnh buổi Đối thoại Chính sách Thương mại (TPD) về Dịch vụ môi trường. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Ông Trần Quốc Khánh mong muốn, các nền kinh tế thành viên APEC sẽ cùng nhau tăng cường vai trò của Đối tác chính sách về khoa học công nghệ đổi mới trong Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương thông qua một số hoạt động sôi nổi như: Hội thảo chia sẻ chính sách đổi mới; phiên họp chung với Nhóm Công tác về Phát triển nguồn nhân lực (HRDWG) đối với vấn đề phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ sáng tạo.
Các Hội thảo về nghiên cứu và công nghệ (ART 2017); Hội thảo về Phụ nữ trong Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) sẽ đóng góp thêm cho việc hoàn thành các nhiệm vụ của Đối tác chính sách về khoa học công nghệ và đổi mới, đặc biệt là phát triển, thúc đẩy các chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho nghiên cứu khoa học, đổi mới dựa vào thị trường, tạo điều kiện cho việc xây dựng năng lực, kết nối khoa học công nghệ khu vực.
Tại cuộc họp, các đại biểu thảo luận nhiều nội dung về những dự án đang triển khai theo Kế hoạch công tác 2017 đã được thông qua tại cuộc họp Đối tác chính sách về khoa học công nghệ đổi mới; xem xét các đề xuất dự án mới theo chủ đề Đối tác chính sách về khoa học công nghệ đổi mới năm 2017 “Khoa học ứng phó với thảm họa thiên nhiên” và “Hỗ trợ hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới APEC”….
* Thúc đẩy đàm phán về dịch vụ môi trường
Cùng ngày tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM2) Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan, Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI) tổ chức Đối thoại Chính sách Thương mại (TPD) về dịch vụ môi trường.
Chương trình đối thoại cung cấp các thông tin liên quan tới việc phân loại dịch vụ môi trường; nghiên cứu sự kết hợp giữa các sản phẩm môi trường và các dịch vụ môi trường; thảo luận về các vấn đề Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương có thể hỗ trợ các quốc gia thành viên trong công tác thúc đẩy đàm phán về dịch vụ môi trường.
Đại biểu các nền kinh tế APEC tham dự Đối thoại Chính sách Thương mại (TPD) về Dịch vụ môi trường. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Tại cuộc Đối thoại, Chuyên gia phân tích chính sách thương mại Jehan Sauvage, Giám đốc Thương mại và Nông nghiệp, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã chia sẻ về những dịch vụ quan trọng, có ảnh hưởng quan trọng nhất trong ngành môi trường. Theo đó, dịch vụ môi trường được phân loại theo ba nấc, từ quan trọng nhất đến ít quan trọng nhất gồm: dịch vụ môi trường cốt lõi (xử lý nước thải, quản lý nước ngầm); các dịch vụ liên quan đến môi trường (dịch vụ tư vấn, kỹ thuật); những ngành dịch vụ khác liên quan gián tiếp đến môi trường (pháp luật, kiểm toán...).
Tại Đối thoại, kinh doanh nguồn nước là một chủ đề được quan tâm thảo luận. Các đại biểu đã đưa ra các ý kiến tập trung về việc kinh doanh nguồn nước dưới góc độ mới; đề cập các yếu tố là động lực thúc đẩy sự sáng tạo, hiệu quả và những thách thức mà lĩnh vực này phải đối mặt.
Đối với vấn đề hạn chế sử dụng đồ tái chế và sản phẩm dùng một lần, các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của mô hình kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy cách giảm thiểu tái sử dụng và tái chế trong những hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Theo các đại biểu, cách loại bỏ, xử lý, quản lý chất thải không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển kinh doanh một cách bền vững, đóng góp cho ổn định xã hội. Ngoài ra, vấn đề khắc phục thiệt hại môi trường trong các nền kinh tế thành viên APEC cũng được các đại biểu tham gia Đối thoại đánh giá là rất cần thiết; đặc biệt trong bối cảnh ngành này cũng gặp phải một số thách thức bắt nguồn từ những tiêu chuẩn, quy định về môi trường ở các nền kinh tế và các thể chế chính trị khác nhau.
Trong các phiên cuối của Đối thoại, các ý kiến tập trung thảo luận về các giải pháp nhằm kinh doanh năng lượng tái tạo một cách hiệu quả. Theo đó, ý thức trong tư duy và hành vi có thể góp phần thay đổi, nâng cao chất lượng kinh doanh, làm tăng sự cạnh tranh trong thị trường. Theo các đại biểu, việc nhiều mạng lưới thông minh cho phép sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong mạng lưới điện trung tâm và sử dụng những công nghệ tiên tiến sẽ giúp kinh doanh năng lượng tái tạo tối ưu hơn. Tuy nhiên, những thách thức về mặt quy định có thể cản trở sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo.
* Chuỗi hoạt động về khoa học, công nghệ và đổi mới
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM 2) Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan, Bộ Khoa học và Công nghệ được phân công làm đầu mối tổ chức chuỗi hoạt động từ ngày 9 - 15/5/2017 gồm: Cuộc họp lần thứ 10 Đối thoại chính sách về khoa học, công nghệ đổi mới (PPSTI-10); Diễn đàn hợp tác về an toàn thực phẩm (FSCF) và các cuộc họp liên quan - một phân nhóm của Tiểu ban Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn (SCSC).
Tại cuộc họp lần thứ 10 Đối thoại chính sách về khoa học, công nghệ đổi mới diễn ra từ ngày 11 - 13/5, các nền kinh tế thành viên APEC sẽ tiếp tục trao đổi, cập nhật thông tin các dự án đang triển khai theo Kế hoạch công tác 2017 đã được thông qua tại cuộc họp Đối thoại chính sách về khoa học, công nghệ đổi mới lần thứ 9; xem xét các đề xuất dự án mới theo chủ đề Đối thoại chính sách về khoa học, công nghệ đổi mới 2017 “Khoa học ứng phó với thảm họa thiên nhiên” và “Hỗ trợ hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới APEC”; tham dự Hội thảo chia sẻ chính sách đổi mới, trong đó, xem xét thảo luận dự thảo Tuyên bố Truyền thông chính sách khoa học để trình lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC thông qua trong năm 2017.
Bên lề Phiên họp chính của Đối thoại chính sách về khoa học, công nghệ đổi mới lần thứ 10 sẽ diễn ra cuộc họp giữa Nhóm Đối thoại chính sách về khoa học, công nghệ đổi mới và Nhóm Phát triển nguồn nhân lực APEC; Hoạt động kết nối với Chương trình Nghiên cứu và Công nghệ APEC 2017 với chủ đề “Nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới APEC: Các khuyến nghị chính sách đối với các mục tiêu phát triển bền vững và Hội thảo Phụ nữ trong lĩnh vực khoa học công nghệ, kỹ thuật và toán học.
Tại cuộc họp, đại diện Việt Nam trình bày về một số nội dung liên quan đến Giải thưởng Khoa học APEC về đổi mới, nghiên cứu và giáo dục năm 2017 với chủ đề “Công nghệ vật liệu mới” như: quá trình lựa chọn chủ đề cho giải thưởng, lựa chọn ứng viên, việc tổ chức… Ngoài ra, Lễ trao Giải thưởng Khoa học APEC về đổi mới, nghiên cứu và giáo dục năm 2017 sẽ được tổ chức trong khuôn khổ hoạt động của Nhóm Đối thoại chính sách về khoa học, công nghệ đổi mới lần này.
Trong khuôn khổ Hội nghị (SOM2) và các cuộc họp liên quan trong Năm APEC 2017, Tiểu ban Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn sẽ tập trung vào nội dung An toàn Thực phẩm (FSCF), Quản lý Rượu (WRF), Thúc đẩy Thương mại điện tử. Hội nghị lần thứ 6 của Diễn đàn hợp tác an toàn thực phẩm về An toàn Thực phẩm và Hội thảo về hệ thống kiểm soát An toàn Thực phẩm tập trung bàn thảo các nội dung thúc đẩy hoạt động tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại khu vực APEC.
Bên cạnh đó, Cuộc họp kỹ thuật về quản lý rượu (WRF) tập trung bàn thảo về Mẫu giấy chứng nhận rượu xuất khẩu đã được Hội nghị Bộ trưởng Thương mại (MRT) thông qua tại Peru năm 2016 nhằm loại bỏ rào cản kỹ thuật trong xuất nhập khẩu rượu trong khu vực APEC. Cuộc họp tổ chức hội thảo bàn tròn giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rượu và giới nghiên cứu khoa học về hài hòa các yêu cầu kỹ thuật và phương thức phân tích rượu, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ghi nhãn, tiêu chuẩn quốc tế về phụ gia…
Các cuộc họp thuộc Tiểu ban Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn trong khuôn khổ SOM 2 lần này là cơ hội tốt để rà soát kết quả, chương hành động đã thực hiện trong thời gian qua, đề ra các nội dung, yêu cầu cần phối hợp, triển khai thực hiện trong thời gian tới nhằm thúc đẩy thương mại khu vực tăng trưởng bền vững, hiệu quả.