Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, Bộ Công Thương đã phát biểu như trên tại buổi khai mạc Đối thoại về công nghiệp ô tô lần thứ 26 của APEC tại Hà Nội diễn ra ngày 11/5.
Ông Phúc cho rằng APEC cần ưu tiên hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực APEC để phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Bên cạnh đó, các nền kinh tế thành viên APEC cần hợp tác một cách hiệu quả trong việc xây dựng năng lực để nghiên cứu về chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô; trong đó tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như tiếp cận thị trường, quản lý nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ cùng với các tiêu chuẩn môi trường để phát triển bền vững.
Liên quan tới vấn đề tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ông Phúc dự báo cuộc cách mạng này sẽ dẫn tới việc tái cấu trúc hệ thống sản xuất công nghiệp toàn cầu, không chỉ về mặt công nghệ mà còn về mặt quản lý và thiết lập các mô hình kinh doanh mới.
Ông Phúc nhấn mạnh các xu hướng công nghệ mới có thể làm gián đoạn các chuỗi giá trị và dẫn tới sự chuyển dịch một phần đáng kể sản lượng toàn cầu từ những nước đang phát triển sang những nước phát triển. Việc tiếp cận thị trường cuối (thị trường tiêu dùng) có thể trở nên quan trọng hơn so với thị trường đầu vào.
Vì vậy, theo ông Phúc, trong bối cảnh tăng trưởng trong ngành công nghiệp ô tô vào khoảng 4-6%/năm nhờ vào dòng vốn FDI chủ động và chiếm phần lớn trong khu vực APEC, việc cải thiện thị trường và môi trường đầu tư sẽ tiếp tục là vấn đề quan trọng nhất đối với ngành công nghiệp ô tô.
Đối thoại về công nghiệp ô tô lần thứ 26 là một sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 2 (SOM2) đang diễn ra tại Hà Nội.
Tại cuộc đối thoại, các đại biểu sẽ thảo luận về hiện trạng ngành công nghiệp ô tô và thị trường ô tô ở các nền kinh tế thành viên APEC và những tác động của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đối với ngành công nghiệp ô tô khu vực.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng sẽ thảo luận về các chính sách/quy định đối với ngành công nghiệp ô tô, việc hài hòa hóa các tiêu chuẩn, quy định và xu hướng phát triển công nghệ trong ngành công nghiệp ô tô khu vực APEC.
Với sản lượng lên đến 60 triệu chiếc/năm và tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 4 triệu người, ngành công nghiệp ô tô đang đóng vai trò quan trọng đối với các nền kinh tế APEC.
Đối với Việt Nam, theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp ô tô hiện sản xuất và lắp ráp khoảng 500.000 chiếc/năm và tạo ra 80.000 việc làm trực tiếp. Riêng năm 2016, ngành đã đạt tốc độ tăng trưởng 29% và đóng góp gần 3% vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước.