Dệt thổ cẩm, nghề truyền thống của người Ba Na tại Gia Lai. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN |
Hơn 10 năm trở lại đây, những khung cửi của bà con người Ba Na ở xã Glar, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai đã tái hoạt động trở lại. Tranh thủ lúc nông nhàn, những người phụ nữ Ba Na lại quây quần bên nhau se chỉ, dệt vải trong tiếng cười rộn rã. Những họa tiết tinh tế quyện với màu sắc quyến rũ được thể hiện qua đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân.
Chị ALơyh ở xã Glar vui mừng cho biết: Chị dệt trong lúc nông nhàn, vừa có thêm thu nhập vừa góp phần bảo tồn nghề dệt truyền thống của dân tộc.
Người có công khôi phục lại nghề dệt truyền thống ở xã Glar chính là nghệ nhân Mlop. Cảm nhận được nguy cơ mai một của nét đẹp văn hoá này, nghệ nhân Mlop đã ấp ủ ý tưởng gây dựng và khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm từ hơn 20 năm trước. Bằng tâm huyết của mình, đến năm 2006, Hợp tác xã nông nghiệp và dệt thổ cẩm xã Glar được hình thành và do chính nghệ nhân Mlop chèo lái.
Nghệ nhân Mlop, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp và dệt thổ cẩm Glar cho biết: Từ khi Hợp tác xã được thành lập, bà con trong làng không phải đi làm thuê mà ở nhà làm nghề dệt. Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều dân tộc anh em, vì thế nghệ nhân Mlop mong muốn mở rộng quy mô nghề dệt thổ cẩm cho cả vùng.
Ông Ksor Phúc, Phó trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: Nhằm góp phần bảo tồn và gìn giữ văn hóa thổ cẩm, thời gian qua, tỉnh cũng đã định kỳ tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi tay nghề dệt thổ cẩm từ cơ sở đến cấp tỉnh.
Ngoài việc tổ chức các hội thi, liên hoan, tỉnh cũng đã hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, câu lạc bộ dệt thổ cẩm, mở nhiều lớp học nghề dệt cho con em đồng bào dân tộc thiểu số tại địa bàn, qua đó khuyến khích chị em tham gia hoạt động duy trì nghề dệt truyền thống lâu đời này.
Sau hơn 10 năm hoạt động, hiện sản phẩm của Hợp tác xã nông nghiệp và dệt thổ cẩm Glar đã có mặt khắp các tỉnh Tây Nguyên. Từ một Hợp tác xã chỉ vài thành viên ban đầu, đến nay đã quy tụ được trên 300 xã viên trong và ngoài địa bàn. Tuy chưa trở thành một nghề đem lại thu nhập chính nhưng Hợp tác xã đã góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Thổ cẩm Gia Lai có sự kết hợp đặc sắc giữa tính dân tộc và hiện đại chắc chắn sẽ là mặt hàng có giá trị không chỉ ở trong nước mà còn vươn xa trên thế giới.