Mỗi làng có ít nhất một Giọt nước đặt ở vị trí thuận lợi cho việc sử dụng, nhiều Giọt nước sẽ tạo thành Bến nước. Việc lấy nước ở Bến nước được xem là một nét đẹp văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc Jrai.
Già làng A Miu, Bí thư chi bộ thôn Khưn, phường Trà Bá, thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) cho biết: Với người Jrai, nước là yếu tố quan trọng nhất trong đời sống. Nơi nào có nguồn nước, nơi đó có sự sống. Đến nay, văn hóa dùng nước Giọt vẫn được dân làng tiếp nối truyền thống cha ông, đây được xem là một nét đẹp được lưu giữ trong văn hóa người Jrai tại Gia Lai.
Thuở còn sống du canh, du cư, người Jrai khi chọn đất lập làng, già làng thường chọn khu vực có nguồn nước mạch chảy ra từ khe núi. Nguồn nước này sau đó được đồng bào dẫn dòng bằng các máng tre, hình thành nên Giọt nước. Nhiều Giọt nước tạo thành Bến nước chung của cả làng. Khi đã có Bến nước, già làng mới chọn đất dựng nhà Rông lập làng mới, dân làng tập trung quanh Giọt nước sinh sống và trồng trọt.
Nơi được già làng chọn làm Bến nước phải là nơi có nguồn nước dồi dào, chảy từ khe núi ra đủ lượng nước sinh hoạt cho cả làng quanh năm. Ngoài ra, vì là nguồn nước mạch ngầm chảy liên tục nên dân làng đào hồ, ngăn dòng tích nước để lấy nước tưới cho cây trồng hoặc dẫn dòng men theo các ruộng lúa.
Nguồn nước sạch, trong mát từ Giọt nước chảy ra, thể hiện sự giàu có, thịnh vượng của làng. Nước chảy từ Giọt có điểm đặc biệt là luôn trong vắt, ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè. Ngay khi chọn được nơi lấy nước, già làng tiến hành nghi lễ lập Bến nước, cúng Bến nước.
Với quan niệm “vạn vật hữu linh” người Jrai cho rằng “Yang Ia” (thần nước) là vị thần tạo ra nguồn nước nên sau đó, hàng năm cứ đến dịp đầu năm mới hay thời điểm bắt đầu mùa mưa người dân lại tổ chức lễ cúng Bến nước. Đây là một tục lệ thường niên thể hiện nét đẹp của văn hóa dân tộc Jrai tại Gia Lai.
Hàng năm, dịp tổ chức cúng Bến nước là dịp người dân cùng tham gia làm sạch Bến nước, sửa sang lại đường xuống lấy nước cho thuận tiện. Thanh niên trong làng được phân công đi chặt cây lồ ô, cây tre về làm cây Nêu trang trí cho lễ cúng. Khu vực Bến nước được phát quang, dọn sạch sẽ, các máng nước cũ sẽ được thay thế bằng máng tre mới.
Đối với người Jrai, Bến nước không chỉ là nơi để lấy nước về sinh hoạt mà còn là trung tâm thông tin của dân làng. Buổi sáng, phụ nữ tập trung đi lấy nước, kể cho nhau nghe những sự việc diễn ra trong gia đình, xung quanh khu vực họ sinh sống rồi về chia sẻ lại cho các thành viên khác trong gia đình.
Chị H’Ben, 40 tuổi, làng Khưn, phường Trà Bá, thành phố Pleiku cho biết: Chúng tôi hứng nước vào các bình, bầu, can để gùi về nhà sử dụng. Mặc dù nhà có nước máy, nước giếng nhưng người dân vẫn sử dụng nước lấy từ Bến nước.
Lễ cúng Bến nước của người Jrai đã được ngành Văn hóa tỉnh Gia Lai phục dựng trong các lễ hội lớn. Đây là minh chứng cho việc địa phương đang tích cực thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn. Ông Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: Đối với đồng bào dân tộc Jrai ở Gia Lai, dù đã có những nguồn nước thay thế như nước giếng, nước máy nhưng họ vẫn giữ thói quen lấy nước từ Bến nước về sinh hoạt. Hoạt động này thể hiện nét đẹp của đồng bào dân tộc Jrai tại Gia Lai, thể hiện tình đoàn kết, đạo lý uống nước nhớ nguồn của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Hoạt động mang tính cộng đồng này cần được gìn giữ và phát huy.
Nhiều nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã và đang được bảo tồn, phát huy. Trong đó, tục cúng Bến nước để nhớ ơn Yang Ia đã ban cho người dân nguồn nước trong mát, sức khỏe dồi dào vẫn được tổ chức hằng năm. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, đồng bào dân tộc Jrai trong mỗi làng lại có dịp cùng nhau dọn vệ sinh ở khu vực Bến nước để chào đón một năm mới an lành, hạnh phúc.