Bài cuối: Những câu hỏi cần trả lời
Để đưa nội dung về kiến thức lịch sử và chủ quyền biển đảo vào chương trình phổ thông, còn rất nhiều việc phải làm...
Học sinh Trường tiểu học Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) háo hức tìm hiểu các mô hình, tranh ảnh trưng bày về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Ngày hội biển đảo - Tình yêu Tổ quốc. Ảnh: thanhdoandanang.org.vn |
Giải pháp tích hợp
Trước khi đưa vào chương trình SGK mới, cần biên soạn tài liệu giảng dạy vấn đề này tại các trường sư phạm. Hiện nay chưa có tài liệu chính thức nào được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai cho các trường. Các cách làm chủ động ở một số địa phương (Đà Nẵng, Khánh Hòa, An Giang) trong thời gian qua là rất đáng quý song việc giảng dạy về nội dung này không thể tiến hành một cách tùy tiện. Các vấn đề về lịch sử, về đường lối, chính trị, ngoại giao đối với hai quần đảo này cần có tài liệu chính thống.
Trước hết, SGK cần cung cấp cho học sinh những hiểu biết về vị trí địa lý, diện tích, tên một số đảo lớn hay cơ bản hơn là bản đồ hành chính của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa... Bên cạnh đó, tài liệu học tập cần cung cấp cho học sinh những kiến thức liên quan đến vai trò, vị trí của hai quần đảo này, từ đó lý giải nguyên nhân dẫn đến tranh chấp ở Biển Đông nói chung và hai quần đảo nói riêng.
Một nội dung quan trọng cần cung cấp những kiến thức cơ bản cho học sinh là quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Học sinh cần nắm được quá trình xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo này của Việt Nam bắt đầu rất sớm, từ thời các chúa Nguyễn thông qua hệ thống các bản đồ cổ, các sắc lệnh, chiếu dụ, châu bản thời Nguyễn. Đồng thời tài liệu học tập cũng cần cung cấp những kiến thức về việc quản lý hai quần đảo đó của (các) chính quyền Việt Nam từ sau năm 1945 cho đến nay trong đó cần làm rõ thời gian chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý và những phản ứng của chính quyền này trước việc Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa (1/1974).
Bên cạnh những cứ liệu lịch sử, cần cung cấp cho học sinh một số cứ liệu về luật pháp quốc tế như: Công ước quốc tế về Biển (1982), Luật Biển Việt Nam (2012)...
Tài liệu học tập cần cung cấp cho học sinh những kiến thức liên quan đến lịch sử tranh chấp của các nước tại Biển Đông nói chung và Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng, đặc biệt là quan điểm của Nhà nước ta trong việc giải quyết tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay. Phần kiến thức này nên cần được sàng lọc kỹ, hệ thống hóa và đơn giản hóa tối đa để học sinh dễ dàng nắm bắt cũng như thuận lợi cho giáo viên khi truyền đạt, hướng dẫn học sinh tìm hiểu. Đặc biệt, quá trình tranh chấp vẫn còn tiếp diễn nên cần hướng dẫn, định hướng cụ thể cho học sinh theo dõi diễn biến, đặc biệt là những nguồn, địa chỉ tin cậy để cập nhật thông tin nhằm tránh những nguồn thông tin sai lệch, thiếu tính chính xác, khách quan và độ tin cậy. Khi biên soạn phần kiến thức này, nguyên tắc trung thực, khách quan cần được tôn trọng tuyệt đối nhằm tránh những thắc mắc, mâu thuẫn của học sinh giữa những kiến thức viết trong tài liệu học tập với những kiến thức tiếp cận được qua nguồn thông tin đại chúng đặc biệt là qua Internet.
Tài liệu học tập còn cần cung cấp hoặc hướng dẫn học sinh tìm hiểu, nhận thức về những hoạt động kinh tế - chính trị - xã hội - văn hóa của chính quyền và nhân dân Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa, qua đó thấy được giá trị kinh tế, chính trị, văn hóa của hai quần đảo trên đối với cả dân tộc Việt Nam. Phần này nên đưa vào dưới dạng định hướng cho học sinh tự tìm hiểu thông qua các bài tập ở nhà.
Đưa vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK để giảng dạy ngay lập tức là điều không thể. Đối với bộ môn Lịch sử ở trường THPT, căn cứ vào nội dung cụ thể của một số bài học, giáo viên có thể tích hợp (ngay) các vấn đề liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa để đưa vào giảng dạy trong các giờ học chính khóa. Đây là những vấn đề thời sự, nhận được sự quan tâm của nhiều học sinh nên sẽ thu hút hơn, gây hứng thú hơn cho học sinh với lịch sử dân tộc. Trong chương trình SGK Lịch sử ở trường THPT, một số bài có thể tiến hành tích hợp tương đối dễ dàng song vẫn đảm bảo được thời lượng tiến hành bài học theo phân phối chương trình.
Cần mở rộng các hình thức
Trong lộ trình xây dựng chương trình và biên soạn SGK năm 2015, cần nghiên cứu để đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình môn Lịch sử ở trường phổ thông. Về nội dung: Cần lựa chọn những kiến thức chủ chốt khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Về phương pháp: Cần phải đa dạng và phù hợp với mỗi bậc học: Ở bậc tiểu học, cách truyền tải kiến thức lịch sử về biển đảo cần thông qua những câu chuyện lịch sử sinh động và hấp dẫn. Ở THCS, giáo viên giúp học sinh tìm hiểu kiến thức qua khai thác các tài liệu học tập, xem phim tư liệu, đi tham quan... Ở THPT, nên thiết kế bài học theo chủ đề, phát huy tư duy độc lập và khả năng nghiên cứu của học sinh, nếu có điều kiện, tổ chức cho học sinh trải nghiệm thực tế...
Với các trường phổ thông, cần tổ chức hiệu quả các hoạt động ngoại khóa về vấn đề Biển Đông cho học sinh. Để các hoạt động ngoại khóa thực sự hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ của giáo viên các môn học Lịch sử, Địa lý, Văn học, Giáo dục công dân theo nguyên tắc liên môn, kết hợp với các bảo tàng, các đơn vị quân đội... Hoặc cũng có thể tích hợp với các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục an ninh - quốc phòng, sinh hoạt Đoàn, Hội Thanh niên... Hình thức tổ chức phải phong phú và sinh động để thu hút được học sinh tích cực tham gia.
Nên chăng chúng ta có một chương trình bao gồm phần khung “cứng” (quy định một cách hệ thống những nội dung lịch sử thiết yếu, ổn định và bắt buộc) và phần “mềm” (những chủ đề lịch sử có thể thay đổi, bổ sung, tự chọn). Phần nội dung trong chương trình khung “cứng” sẽ được biên soạn thành SGK (tài liệu học tập chính), còn nội dung của phần “mềm” sẽ được biên soạn thành các tập chủ đề dạy - học Lịch sử (một loại tài liệu học tập). Như vậy, nếu có những vấn đề lịch sử liên quan mật thiết đến đời sống chính trị - xã hội hiện đại, những thành tựu mới, nổi bật của các nhà nghiên cứu lịch sử thì chỉ cần bổ sung trong phần “mềm” mà không cần thay đổi chương trình khung và SGK. Điều đó vừa đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của vấn đề cần bổ sung, vừa tiết kiệm chi phí điều chỉnh hay thay đổi chương trình, SGK.
TS. Ngô Vương Anh