Trong khi nhiều nước trên thế giới đã ban hành những tiêu chuẩn về không khí trong nhà thì Việt Nam, tuy là nước đang phải đối mặt với ô nhiễm không khí nghiêm trọng, lại chưa có tiêu chuẩn này.Gây nhiều bệnhMới chuyển về căn hộ chung cư được một thời gian, nhưng cả gia đình anh Nguyễn Ngọc Tuấn (Đông Anh, Hà Nội) đều có dấu hiệu bị khó thở, đau đầu, 2 con anh bị ho nhiều và được bác sĩ chẩn đoán là bị viêm phổi.
Hàng chục người ngất xỉu tại BigC do ngạt khí. Ảnh: zing.vn |
“Tôi lấy làm lạ vì trước đó, tất cả nhà đều rất khỏe mạnh. Sau khi nghe bác sĩ tư vấn, hóa ra do nhà mới được sơn sửa lại, bàn ghế mới nên có nhiều chất độc, gây ra tình trạng như vậy”, anh Tuấn cho biết.
Hay mới đây sự cố nhiều người bị ngất xỉu tại Siêu thị BigC Garden (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) do ngạt khí được các chuyên gia quan trắc về môi trường đánh giá là do bị ngạt khí nghiêm trọng. Thực tế cho thấy hiện nay ô nhiễm không khí tại các tòa nhà đang ở mức báo động, nhất là tại các tòa nhà cao tầng, cao ốc.
Th.s Ngô Quốc Khánh, Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động cho biết, theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí trong nhà là nguyên nhân của 50% số bệnh lý của con người; ảnh hưởng của nó cao từ 2 - 8 lần so với các bệnh có nguyên nhân là ô nhiễm bên ngoài.
Các chất ô nhiễm thông thường có thể tìm thấy trong nhà (nhà ở, văn phòng) là nấm mốc, vi khuẩn, bụi, hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, vi sinh vật… Các chất gây ô nhiễm được phát ra từ nhiều nguồn như khói thuốc lá, bếp than tổ ong, bếp gas, các thiết bị, đồ dùng trong nhà và văn phòng, chất tẩy rửa…
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết: “Nhiều sinh hoạt của con người diễn ra trong nhà, ô nhiễm không khí trong nhà có thể ảnh hưởng đến trí não, phổi, hô hấp, gây nên các bệnh hen xuyễn ở trẻ nhỏ và bệnh hô hấp, tim mạch ở người lớn tuổi, thậm chí nhiều loại hóa chất nếu tiếp xúc trong thời gian dài có thể gây ung thư”.
“Để ban hành tiêu chuẩn không khí trong nhà, cần lập Hội đồng khoa học xem xét tiêu chuẩn, kinh phí, kế hoạch thực hiện… với sự tham gia, phối hợp của các đơn vị liên quan như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ TN&MT”. PGS.TS Nguyễn Huy Nga |
Cần một tiêu chuẩnTuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa có tiêu chuẩn không khí trong nhà. Vì vậy, mới đây khi nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động đã thực hiện khảo sát, đo đạc một số chỉ tiêu môi trường về bụi, hơi khí độc, chỉ tiêu vi sinh vật, vi khí hậu... lấy theo tiêu chuẩn của quốc tế tại 6 văn phòng trong 4 tòa nhà nội thành Hà Nội, kết quả cho thấy các văn phòng này đều có kết cấu kín, được xây dựng sau năm 2008, có sử dụng hệ thống thông gió điều hòa trung tâm.
Nồng độ formaldehyde, ozone, nồng độ bụi hô hấp vượt tiêu chuẩn cho phép. Riêng chỉ tiêu về vi sinh vật vượt xa khuyến cáo rất nhiều lần, nguyên nhân là do việc sử dụng tuần hoàn không khí của hệ thống điều hòa, thông gió.
Tuy nhiên, do chưa có một tiêu chuẩn, khuyến cáo nào chính thống và đủ tin cậy nên việc đánh giá chất lượng môi trường không khí trong nhà tại các tòa nhà cao ốc, văn phòng tại Việt Nam vẫn đang thách thức các nhà quản lý và khoa học.
“Cần nhanh chóng nghiên cứu, biên soạn tiêu chuẩn, khuyến cáo về nồng độ chất ô nhiễm cho phép trong không khí cao ốc, văn phòng, để có thể sử dụng đánh giá chất lượng không khí. Ngoài ra, nên tổ chức quan trắc, đo đạc và đánh giá chất lượng không khí trong nhà định kỳ tại các tòa cao ốc, văn phòng, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người”, ông Khánh cho biết.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường và Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo tiêu chuẩn không khí trong nhà từ cuối 2013.
Tuy nhiên, theo QĐ 25/2014 của Thủ tướng Chính phủ thì vấn đề này thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, vì thế, Bộ Y tế chưa thể ban hành tiêu chuẩn không khí trong nhà.
Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), thời gian tới, tổng cục sẽ làm việc với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan để tham vấn ý kiến và thống nhất nội dung thực hiện.
Các chuyên gia môi trường khuyến cáo, mặc dù chưa có quy chuẩn nào về không khí trong nhà, tuy nhiên người dân nên có các biện pháp tự bảo vệ mình bằng cách thường xuyên vệ sinh nhà cửa, hút bụi, hạn chế dùng thảm, tránh đun nấu bằng than, củi trong nhà, trồng thêm cây xanh để điều hòa không khí…
Thu Trang