Cô đỡ thôn bản Thào Thị Se và ước mơ có nhiều quần áo sơ sinh cho trẻ

Làm công việc đỡ đẻ ở vùng khó khăn, chị Thào Thị Se luôn cảm thấy áy náy mỗi khi nhìn các em bé chào đời mà không có quần áo mặc, những lúc ấy chị muốn mình có thật nhiều đồ sơ sinh để mang tặng các em bé.

Cô đỡ thôn bản Thào Thị Se vừa được Bộ Y tế tuyên dương.

Mang kiến thức về bản


Gần 8 năm làm cô đỡ thôn bản, chị Thào Thị Se, người dân tộc Mông (ở thôn Chúng Pả B, xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) đã giúp cho rất nhiều chị em của thôn bản mình được “mẹ tròn con vuông”, tiếp cận các dịch vụ sinh sản hiện đại. Nhờ đó, chị Thào Thị Se là một trong các cô đỡ thôn bản được Bộ Y tế tuyên dương.


Mỗi ca sinh nở an toàn là một niềm vui tiếp thêm động lực cho chị Se luôn cố gắng. Bởi làm cô đỡ ở một vùng còn nghèo khó, chị Se phải đấu tranh với rất nhiều phong tục lạc hậu, vượt qua nhiều gian nan, vất vả mới có thể hoàn thành công việc dù đôi khi chẳng hề có tiền phụ cấp.


Chị kể: Năm 2010 tôi được Sở Y tế tỉnh Hà Giang chọn cử đi học lớp cô đỡ thôn bản, thuộc dự án của Bộ Y tế. Tuy gia đình còn nhiều khó khăn, con còn nhỏ nhưng rất may cả chồng tôi và gia đình đều đồng ý tạo điều kiện cho tôi đi học. Lúc đó, tôi phải mang theo con nhỏ mới 2 tháng tuổi, nhờ em gái đi theo trông con để yên tâm học. Vì thế, tôi đã quyết tâm phải học thật tốt để về giúp đỡ bà con trong thôn bản”.


"Trước đây, khi sinh nở, phụ nữ H’Mông chủ yếu nhờ các bà đỡ trong bản hoặc người nhà, họ hàng… Việc đỡ đẻ cũng như chăm sóc sau sinh rất lạc hậu với nhiều hủ tục như: Cắt rốn bằng dao cắt cỏ, phụ nữ đẻ phải vào trong xó bếp, buồng tối, trẻ cả tháng trời không được tắm rửa...


Từ khi được đi học làm cô đỡ thôn bản, tôi đã biết những cách làm cũ kia cần phải loại bỏ vì rất nguy hiểm với sức khoẻ của mẹ và trẻ. Khi được tiếp thu những kiến thức mới về sức khỏe sinh sản tôi tự thấy mình phải mang nó về bản để giúp cho nhiều phụ nữ trong thôn được sinh nở an toàn hơn", chị Se tâm sự.


Sau khoảng 2 năm, chị Se hoàn thành khóa học, và trở về, được trạm y tế xã phân công phụ trách 3 bản. Với những gì đã được học, chị không quản ngại gian khó đi tới từng hộ gia đình có phụ nữ mang thai để khám thai cho họ, vận động các chị em phải đến trạm y tế đẻ thay vì sinh con ở nhà như trước kia.


"Việc vận động chị em sử dụng các dịch vụ sinh đẻ an toàn không hề dễ dàng, nhất là vận động người già. Có gia đình con dâu đã đồng ý ra trạm y tế rồi nhưng bố mẹ lại không cho. Họ bảo từ trước tới nay họ vẫn đẻ ở nhà và không có vấn đề gì; thậm chí chí có người đến lúc chuyển dạ vẫn kiên quyết ở nhà, chỉ đến lúc quá khó sinh, vận động mãi họ mới chịu ra trạm y tế", chị Se cho biết.


Trong 5 năm làm cô đỡ, chị Se đã đỡ thành công cho rất nhiều phụ nữ trong các bản sinh con, có tháng nhiều khoảng 2- 3 ca. Nhiều ca sinh nở đã được mẹ tròn con vuông một cách dễ dàng nhưng cũng có những ca khiến chị phải toát mồ hôi và phải vận dụng tất cả kỹ năng được học để cứu mẹ con sản phụ.


Tôi còn nhớ có một trường hợp sản phụ chuyển dạ mãi mới sinh được. Sau khi ra, đứa trẻ bị ngạt không khóc được. Lúc đó tôi cố gắng sử dụng các kĩ năng đã được học để tiến hành sơ cứu và cuối cùng em bé đã khóc được. Lúc đó tôi vô cùng sung sướng, còn người nhà thì quá vui mừng, họ chỉ biết nói câu cảm ơn tôi. Sau này mỗi lần gặp tôi ở ngoài, gia đình họ đều nhắc lại kỷ niệm đó và coi tôi như người đã mang lại sự sống cho đứa trẻ, chị Se chia sẻ.


Những ước mơ giản dị


Hơn 5 năm trong vai trò cô đỡ thôn bản, chứng kiến nhiều khó khăn vất vả, chị Se chỉ mong muốn được trang bị những vật dụng đơn giản có thể hỗ trợ chị lúc đêm hôm đi đỡ đẻ, đó đơn giản chỉ là "một cái đèn pin, áo mưa, đôi ủng mặc đi đường"... vì ở nơi nghèo khó như quê chị, thứ gì cũng thiếu thốn.


Mỗi lần được các gia đình gọi tới đỡ đẻ, tôi thường phải mang theo hai cái tã khô vì nhiều nhà còn không có tiền chuẩn bị đồ sơ sinh cho con mặc, lúc đó mình có sẵn để quấn ủ ấm cho đứa trẻ. Vì vậy, lúc nào tôi cũng mong có thật nhiều quần áo sơ sinh, để mỗi lần đi đỡ đẻ thì có thể đemtheovài bộ cho các em bé.


Đấy là chưa kể công việc của chị có thể được gọi đi bất kể lúc nào. Có những hôm 1 giờ đêm có người chuyển dạ đến gọi, chị phải khẩn cấp lên đường, đi bộ tới 8 cây số để tới đỡ đẻ.


Nhiều gia đình có điều kiện thì họ đi xe ra đón, nhưng có gia đình mình còn phải chủ động vào tận nhà để hỗ trợ họ chị Se cho biết.


Thấy chị Se đi lại quá vất vả, nhiều lần chồng chị đã khuyên không nên tiếp tục công việc nữa. Nhưng chị luôn nghĩ, có nhiều người đến gọi tức là họ đang cần mình nên chị đã phải tìm cách thuyết phục để chồng đồng ý. Nhìn những đứa trẻ ra đời khỏe mạnh, phụ nữ trong các bản ngày càng tiến bộ, chị luôn thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.


Với tôi chỉ cần giúp được người dân và nhận lại những câu cảm ơn, như thế là mãn nguyện lắm, chị Se vui vẻ.


Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Bộ Y tế biểu dương các cô đỡ thôn bản tiêu biểu
Bộ Y tế biểu dương các cô đỡ thôn bản tiêu biểu

Với vai trò hỗ trợ sinh đẻ cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cô đỡ thôn bản đã được Bộ Y tế ghi nhận và biểu dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN