Bộ Y tế biểu dương các cô đỡ thôn bản tiêu biểu

Với vai trò hỗ trợ sinh đẻ cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cô đỡ thôn bản đã được Bộ Y tế ghi nhận và biểu dương.

Bộ Y tế trao bằng khen biểu dương cô đỡ thôn bản.Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Ngày 28/2, 66 cô đỡ thôn bản tiêu biểu đã được Bộ Y tế biểu dương tại Hội nghị biểu dương cô đỡ thôn bản tiêu biểu diễn ra tại Hà Nội.


Đây là sự ghi nhận những đóng góp hiệu quả của các cô đỡ thôn bản trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em cho đồng bào dân tộc ở các vùng đặc biệt khó khăn.


Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, Việt Nam vẫn còn gặp khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ- trẻ em, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, những nơi khó tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế. Hiện nay tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em ở khu vực miền núi vẫn đang cao hơn các khu vực đồng bằng, thành thị từ 3- 4 lần; trong khi đó nhận thức của người dân về chăm sóc bà mẹ, trẻ em tại các khu vực miền núi vẫn còn lạc hậu. Để giải quyết những khó khăn đó, Bộ Y tế đã có chủ trương đào tạo các cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số cho các vùng khó khăn. Đây là một giải pháp tạm thời nhưng rất hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, góp phần tích cực gỡ bỏ những rào cản về địa lý, văn hóa và tài chính khiến người phụ nữ dân tộc thiểu số không thể tiếp cận được các dịch vụ khám thai, đỡ đẻ an toàn và chăm sóc sau sinh.


Nhờ có hệ thống cô đỡ thôn bản, tại các vùng sâu, vùng xa tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em đã giảm xuống đáng kể; các thai phụ chủ động sử dụng các dịch vụ chăm sóc thai nghén cao hơn; các thai phụ có nguy cơ được phát hiện sớm và chuyển tuyến kịp thời giúp tránh được các trường hợp tử vong không đáng có…


Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), tính đến nay, cả nước đã có gần 3.000 cô đỡ thôn bản đang hoạt động tại hơn 8.000 thôn bản khó khăn trên cả nước.Các cô đỡ thôn bản được lựa chọn từ chính cộng đồng dân tộc thiểu số, họ được tham gia khóa đào tạo về y tế để có thể thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền, tư vấn, phát hiện và chuyển tuyến kịp thời cho các bà mẹ mang thai có nguy cơ tai biến sản khoa; đặc biệt có khả năng can thiệp các ca đẻ, đỡ đẻ bằng "gói đẻ sạch" đối với những vùng còn tồn tại tục lệ đẻ tại nhà, nhằm hạn chế các trường hợp tử vong mẹ và tử vong sơ sinh. Bên cạnh đó họ còn là những tuyên truyền viên tích cực trong việc vận động các bà mẹ tiếp cận các trạm y tế, bệnh viện để sử dụng các dịch vụ trong chăm sóc sức khỏe sinh sản. 


Cô đỡ Y Ngọc (thôn Kạch lớn II, xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ rông, tỉnh Kon Tum) cho biết: “Phụ nữ tại địa phương tôi phải đi làm rẫy nên khi mang thai thường ít đến các cơ sở y tế khám thai; khi đẻ thì thường đẻ tại nhà hoặc nhờ người thân đỡ đẻ cho vì xấu hổ. Các cách chăm sóc trẻ sơ sinh cũng chưa đúng. Từ khi được giao làm công tác tuyên truyền tôi phải tích cực thường xuyên hướng dẫn phụ nữ mang thai trong vùng cách chăm sóc bản thân, tiêm phòng đầy đủ. Bên cạnh đó, ngoài hỗ trợ lúc sinh con, tôi còn phải hướng dẫn cho họ cả cách chăm sóc sau đẻ. Gần đây nhiều bà mẹ đã chịu lên trạm y tế xã để đẻ nhưng nhiều người vẫn còn yêu cầu phải có cô đỡ thôn bản đi cùng”.


Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Phó Chủ tịch nước: Thực hiện tốt chế độ đãi ngộ đối với các cô đỡ thôn bản
Phó Chủ tịch nước: Thực hiện tốt chế độ đãi ngộ đối với các cô đỡ thôn bản

Nhân kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2018), sáng 28/2, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tiếp Đoàn đại biểu tiêu biểu trong phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN