Trong 2 năm 2018 và 2019, Việt Nam đã tham gia hai Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Việt ký kết các hiệp định này được đánh giá sẽ mở ra cơ hội to lớn cho thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có giá trị 43 tỷ USD của Việt Nam. Thông qua 2 hiệp định này, các mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận tới 37 thị trường lớn với dân số hơn 1 tỷ người.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân trong sản xuất, cũng như tiêu thụ nông sản.
Dù vậy, giá trị gia tăng trong xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam còn thấp do gặp nhiều rào cản, nhất là về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Diễn đàn lần này sẽ là cơ hội để lãnh đạo các bộ, ngành, Hội nông dân, cá doanh nghiệp, nông dân xuất sắc tìm ra giải pháp để có những kiến nghị chính sách đối với nông dân.
Theo ông Định, CPTPP và EVFTA đã và đang mở ra những cơ hội to lớn cho nền kinh tế Việt Nam; trong đó, có sản xuất nông nghiệp, thương mại nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang nổi lên và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bất định.
Bên cạnh cơ hội to lớn, các hiệp định thương mại tự do cũng đem tới những thách thức không nhỏ đối với lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam. Trước bối cảnh mới, ông Nguyễn Xuân Định lo ngại về vấn đề giữ vững sản lượng và chất lượng nông sản để phục vụ thị trường xuất khẩu, đồng thời mở rộng được thị trường trong nước.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin, Hiệp định CPTPP và EVFTA chắc chắn mở ra một giai đoạn hợp tác mới đầy triển vọng, kỳ vọng mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và tạo ra sức bật lớn cho ngành nông nghiệp của cả Việt Nam và các đối tác.
Hiệp định CPTPP với 10 đối tác; trong đó, có những đối tác mà thông qua Hiệp định này, Việt Nam lần đầu thiết lập mối quan hệ thương mại tự do song phương như Canada, Chilê, Mêhicô và Pêru, sẽ mở ra các cơ hội hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và các đối tác CPTPP.
Với CPTPP, phần lớn hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 - 5 năm. Chẳng hạn như một số loại thủy sản (cá, tôm), các loại rau quả tươi và rau quả chế biến, gạo, các loại hạt khô ….
Đây là cơ hội tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu cũng như góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng nông lâm thủy sản có thế mạnh của Việt Nam.
Với EVFTA, đây là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Hiệp định này sẽ đem lại cơ hội lớn cho lĩnh vực nông nghiệp khi thuế hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU sẽ dần giảm xuống về 0% sau một lộ trình ngắn.
Cụ thể, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau 7 năm, 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng thuế 0%, một số ít các mặt hàng còn lại sẽ được nhập khẩu vào EU theo hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
"Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay với kim ngạch xuất khẩu là 42 tỷ USD, tổng kim ngạch thương mại song phương là gần 56 USD trong năm 2018.", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá.
Dù có nhiều cơ hội lớn đối với nông sản Việt, nhưng các đại biểu tham dự diễn đàn đều cho rằng, thách thức để chinh phục các thị trường trên thế giới cũng không nhỏ. Cụ thể, các thách thức đối với hàng nông sản khi xuất khẩu vào các thị trường thuộc 2 khối CPTPP và EVFTA là rào cản kỹ thuật về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật; rào cản về trình độ quản trị, trình độ công nghệ ứng dụng trong sản phẩm nông sản - vốn đang là những điểm nghẽn khiến nông sản Việt chưa thể thâm nhập vào các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản...