Tổng thống Barack Obama ngày 11/12 bày tỏ lạc quan về khả năng hoàn tất đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang diễn giữa Mỹ với 11 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương khác.Các đại diện thương mại tham gia đàm phán TPP trong buổi họp báo tại Sydney ngày 27/10. Ảnh: AFP/ TTXVN. |
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn phát biểu của Tổng thống Obama tại một cuộc họp của Hội đồng Xuất khẩu của Nhà Trắng nói rằng ông ngày càng tin tưởng với khả năng kết thúc đàm phán và ký được Hiệp định TPP trong vòng hai năm cầm quyền còn lại. Ông chủ Nhà Trắng phát biểu: “Tôi lạc quan hơn nhiều so với hồi năm ngoái về khả năng chúng ta có thể ký được một hiệp định với các đối tác TPP. Nói như vậy không có nghĩa là đã có một thỏa thuận, nhưng khả năng đạt được hiệp định là lớn hơn mức 50-50”.
Tổng thống Obama kêu gọi các nhà lập pháp Quốc hội Mỹ ủng hộ vì TPP là một hiệp định gồm các quốc gia chiếm tới hơn 40% nền kinh tế toàn cầu và khi được ký kết TPP sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp các quốc gia thành viên. Một lý do nữa được ông Obama nêu ra là TPP nói riêng và xuất khẩu nói chung sẽ góp phần tạo ra nhiều việc làm hơn cho người dân Mỹ.
Xác định hoàn tất TPP là một ưu tiên trong hai năm cầm quyền còn lại, Tổng thống Obama cam kết sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình để thuyết phục các nhà lập pháp của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ cũng như các tổ chức nghiệp đoàn hậu thuẫn cho TPP. Ký kết các hiệp định thương mại tự do, trong đó có TPP, được các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa ủng hộ mạnh mẽ trong khi không ít nghị sỹ của đảng Dân chủ và các tổ chức công đoàn hoài nghi về những lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do mang lại cho người lao động Mỹ.
Tổng thống Obama cho biết Nhà Trắng sẽ tiếp tục vận động và thúc đẩy Quốc hội cho phép Tổng thống quyền đàm phán nhanh, theo đó hạn chế áp lực của các nhà lập pháp đòi thay đổi các điều khoản của những hiệp định tự do thương mại đã được ký kết.
Tổng thống Obama bày tỏ thái độ lạc quan giữa lúc các nhà đàm phán của 12 nước tham gia TPP đang nhóm họp tại thủ đô Washington để tiếp tục thương thảo về những điều khoản và vấn đề còn chưa thống nhất. Tuần trước, một quan chức cấp cao của Chile tiết lộ với báo giới về khả năng các cuộc đàm phán về TPP sẽ kết thúc trong quý 1/2015. Tuy nhiên, không ít chuyên gia vẫn hoài nghi, nhất là trong bối cảnh nông dân Nhật Bản vẫn mạnh mẽ phản đối mở cửa thị trường nông sản của nước này.
Đàm phán TPP được khởi xướng từ năm 2005 giữa 12 nước tham gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Một trong những trở ngại lớn nhất của đàm phán hiện nay là bất đồng giữa Nhật Bản và Mỹ về thuế suất đánh vào các mặt hàng nông sản nhạy cảm như gạo, lúa mỳ, thịt bò, thịt lợn, sữa và đường; các biện pháp bảo hộ mà Tokyo muốn áp dụng đối với thịt bò, thịt lợn một khi lượng nhập khẩu tăng lên do tác động của TPP.
Ngoài ra, Nhật Bản và Mỹ cũng bất đồng về nhiều vấn đề trong lĩnh vực ôtô. Một khi được ký kết, hiệp định này sẽ thiết lập một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.
TTXVN/Tin Tức