Người dân chọn mua vàng trang sức tại Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 19/1. Ảnh: THX/TTXVN |
Tại Manila (Philippines), giá vàng giao ngay được giao dịch ở mức 1.117,31 USD/ounce lúc 7 giờ 43 phút (giờ Việt Nam). Kim loại quý này đã kết thúc tháng Một với mức tăng 5,4%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2015. Giá vàng kỳ hạn giao tháng 4/2016 tăng 0,1% lên 1.117,80 USD/ounce.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý cuối cùng của năm 2015 đã chậm lại ở mức 0,7% . Thông tin trên đã làm tăng hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ điều chỉnh chậm lại tốc độ tăng lãi suất trong tương lai, qua đó hỗ trợ giá vàng.
Giá vàng đã chạm mức cao nhất của 12 tuần qua là 1.127,80 USD/ounce hôm 27/11, sau khi Fed tuyên bố sẽ theo dõi sát sao tình hình kinh tế toàn cầu và các thị trường tài chính, và tác động của nó đối với kinh tế Mỹ.
Trong khi đó, iá dầu giảm trong phiên giao dịch sáng 1/2 tại châu Á, sau khi Hàn Quốc công bố số liệu xuất khẩu giảm sút mạnh và triển vọng phối hợp cắt giảm sản lượng của các nước xuất khẩu dầu chủ chốt dường như là không thực tế.
Giá dầu Brent giao tháng Ba đứng ở mức 35,55 USD/thùng vào lúc 7 giờ 47 phút sáng nay (giờ Việt Nam) giảm 44 xu Mỹ, hay hơn 1,2% so với mức chốt phiên trước. Dầu West Texas Intermediate của Mỹ giảm 32 xu Mỹ, xuống 33,3 USD/thùng.
Hàn Quốc thông báo xuất khẩu tháng Một của nước này giảm 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 36,7 tỷ USD, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2009. Sự giảm sút này ở nền kinh tế Bắc Á định hướng xuất khẩu này là dấu hiệu mới nhất cho thấy tình trạng giảm tốc mạnh hơn ở các nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Trong khi đó, triển vọng về hành động phối hợp trong cắt giảm sản lượng của các nhà xuất khẩu dầu chủ chốt như Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga sẽ khó trở thành hiện thực do những khác biệt giữa họ. Thêm vào đó, thành viên OPEC là Iran, nước mà tháng này đã được phép trở lại thị trường đầy đủ sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, không sẵn sàng tham gia vào bất cứ quyết định cắt giảm sản lượng nào.
Một phần vì sự trở lại của Iran, sản lượng dầu của OPEC tăng lên 32,6 triệu thùng/ngày, mức cao nhất trong nhiều năm, làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung trên toàn cầu, khi mức cung vượt cầu trên 1 triệu thùng mỗi ngày, khiến giá dầu giảm khoảng 70% kể từ giữa năm 2014.