Doanh nghiệp “ngoài sàn” được săn đón hơn

Theo Hiệp hội Tài chính Việt Nam (VAFI), trong vòng 3 năm lại đây, khi bức tranh thị trường chứng khoán hết sức ảm đạm, có nhiều bất ổn, doanh nghiệp (DN) niêm yết khó huy động vốn hơn nhiều so với thời kỳ 2005 - 2007, thì ngược lại DN “ngoài sàn” (OTC) lại được nhà đầu tư săn đón, có giá trị giao dịch cao hơn DN niêm yết tới hàng chục lần.

 

Nghịch lý thị trường OTC


Theo VAFI, những thương vụ mua bán và sát nhập ở các DN “ngoài sàn” chủ yếu thuộc các ngành nghề: dệt may, da giầy, xi măng, ngành hàng tiêu dùng, khoáng sản, bất động sản, tư vấn, thiết kế… Đáng chú ý, những nhà đầu tư lựa chọn mua các DN này không kỹ tính như khi chọn các DN niêm yết. Họ chỉ cần mua DN mà họ nhìn thấy có tương lai, chứ không cần có lãi ngay. Chẳng hạn, DN dệt may, da giầy thường có lãi thấp, tỷ suất lợi nhuận sau thuế chỉ vài %/năm, thậm chí nhiều DN khó khăn nhưng vẫn được các nhà đầu tư nước ngoài mua với giá cao hơn sổ sách. Nguyên nhân là do giá trị của những DN này được xác định bằng giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường, cộng với giá trị máy móc thiết bị…


 

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến các chỉ số tại sàn giao dịch chứng khoán IRS (Công ty CP chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia, Hà Nội). Ảnh : Tuấn Anh - TTXVN

Cũng theo VAFI, đối tượng mua DN OTC rất đa dạng, từ DN nhỏ đến DN lớn, từ DN trong nước đến nước ngoài. Giá bán của DN OTC cao hơn rất nhiều so với DN niêm yết. Theo đó, nhiều DN OTC có tiềm năng đã tái cơ cấu được DN của mình nhờ các nhà đầu tư hay một số quỹ đầu tư nước ngoài tìm mua cổ phần với giá cao.


Có thể thấy, đã có nhiều thương vụ đình đám về mua bán cổ phần OTC cao hơn giá cổ phiếu của DN đang niêm yết cùng ngành. Cụ thể tháng 1/2013, Masan Group mua 24,9% cổ phần của Công ty Nước khoáng Vĩnh Hảo với giá 85.000 đồng/cổ phiếu (cao hơn 2,5 lần giá giao dịch trên thị trường OTC) và ngày 26/3 vừa qua, Masan Group tiếp tục mua 75,1% cổ phần còn lại cũng với giá 85.000 đồng để “thâu tóm” toàn bộ công ty này.


Trước đó, tháng 12/2012, Tập đoàn xi măng Thái Lan SCG đã mua lại 85% cổ phần của Prime Group với giá 7,2 tỷ Baht, tương đương 4.900 tỷ đồng. Không chỉ SCG đánh giá cao Prime Group, mà tại thời điểm thị trường đang thoái trào, VinaCapital cũng đã mua cổ phiếu của Prime Group với giá 40.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 2-3 lần cổ phiếu của DN cùng ngành đang được niêm yết trên sàn.

 

DN niêm yết mất giá vì vướng nhiều rào cản


Theo VAFI, sở dĩ DN niêm yết không được nhà đầu tư chú ý nhiều vì hiện nay, các DN niêm yết chủ yếu là khối DN nhà nước được cổ phần hóa. Đa phần khối này vẫn ở trong tình trạng nhà nước nắm cổ phần chi phối. Đây chính là rào cản khiến các DN thuộc diện này chưa thể thu hút được các nhà đầu tư chiến lược. Theo đó, giá cổ phiếu của các DN này không cao, kể cả với những doanh nghiệp lãi nhiều.


Theo VAFI, lí do tiếp theo là ban lãnh đạo nhiều DN cổ phần hóa hay cấp trên của DN cổ phần hóa thường không muốn bán cổ phần chi phối cho nhà đầu tư chiến lược, kể cả trong tình huống DN đó khó khăn về tài chính, thậm chí có nguy cơ giải thể, phá sản… Ngay cả quy định cho nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu quá 30%, 49%/vốn điều lệ cũng là lực cản trong vấn đề huy động vốn và thu hút nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Song song đó, thủ tục hành chính còn rắc rối, phức tạp trong việc mua bán, sát nhập đối với DN niêm yết cũng là nguyên nhân khó thu hút nhà đầu tư chiến lược.


Với những rào cản trên, DN niêm yết đã mất đi tính cạnh tranh so với DN OTC về tái cơ cấu cũng như giá trị DN. Chính vì vậy, đã có hiện tượng DN niêm yết xin tự nguyện hủy niêm yết. Lí do không phải vì họ không đủ điều kiện niêm yết mà là để dễ dàng thu hút được vốn và nhà đầu tư chiến lược hơn. Tình trạng này đang ngày càng phổ biến trong bối cảnh kinh tế khó khăn.


VAFI đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng độ hấp dẫn của các DN niêm yết với các nhà đầu tư chiến lược. Theo đó, phải sửa đổi quy định về sở hữu vốn để DN lớn, cổ đông tổ chức phải chiếm đa số và cổ đông nhà nước sẽ không còn hoặc không nắm chi phối, chỉ trừ những ngành nghề kinh doanh nhạy cảm.


Hải Yên

Doanh nghiệp “ngoài sàn” được săn đón hơn
Doanh nghiệp “ngoài sàn” được săn đón hơn

Theo Hiệp hội Tài chính Việt Nam (VAFI), trong vòng 3 năm lại đây, khi bức tranh thị trường chứng khoán hết sức ảm đạm, có nhiều bất ổn, doanh nghiệp (DN) niêm yết khó huy động vốn hơn nhiều so với thời kỳ 2005 - 2007, thì ngược lại DN “ngoài sàn” (OTC)...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN