Trước việc Mỹ tiếp tục im lặng về các vụ bê bối nghe lén và đặc biệt là "điệp viên hai mang" gần đây, Chính phủ Đức đã yêu cầu tất cả đại sứ quán nước ngoài ở Đức phải công bố tên các điệp viên hoạt động ở nước này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại cuộc gặp tháng 10/2013. Ảnh: AFP |
Tờ "Tấm gương" ngày 8/8 cho biết Bộ Ngoại giao Đức đã gia tăng sức ép đối với các cơ quan tình báo nước ngoài khi yêu cầu họ phải công bố các điệp viên hoạt động ở Đức. Thông qua kênh ngoại giao chính thức, Bộ Ngoại giao Đức ngày 6/8 vừa qua đã gửi công hàm yêu cầu tất cả các đại sứ quán, tổng lãnh sự quán, kể cả các đối tác quốc tế và các tổ chức văn hóa nước ngoài ở Đức, phải nộp danh sách tên của tất cả các điệp viên đang hoạt động ở Đức.
Theo Bộ Ngoại giao Đức, việc nêu tên điệp viên là nhằm giúp Chính phủ Đức và các đại sứ quán tiến tới một "quan điểm chung" trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, việc Berlin áp đặt biện pháp bất thường nêu trên được cho là thể hiện sự "không hài lòng" với hoạt động của các cơ quan tình báo nước ngoài ở Đức, đặc biệt là quốc gia đồng minh Mỹ.
Song song với các động thái trên, Bộ Nội vụ Đức cũng đã có những biện pháp nhằm giám sát chặt hơn hoạt động của các cơ quan tình báo nước ngoài tại nước này, tăng cường công tác phản gián, trong đó có việc trang bị máy điện thoại mã hóa cho các viên chức quan trọng cũng như siết chặt kiểm tra an ninh đối với các viên chức tiếp cận với những tài liệu mật.
Theo báo trên, Mỹ, Nga và Trung Quốc là những nước có nhiều điệp viên nhất hoạt động tại Đức, trong đó riêng Mỹ có khoảng 200 điệp viên mang thẻ ngoại giao hoạt động ở Đức. Bài báo cũng cho rằng nhiều điệp viên nước ngoài đăng ký hoạt động ngoại giao hoặc trong các bộ phận tùy viên quốc phòng, viên chức chính trị hay các cơ sở văn hóa.
TN