Theo kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh, các loại thuế, phí trong giá thành than sản xuất trong nước liên tục tăng trong các năm gần đây đã làm giá thành sản xuất than trong nước ngày càng tăng cao, giảm sức cạnh tranh so với than nhập khẩu. Nếu tính cả tiền cấp quyền khai thác (2%) thì thuế tài nguyên đối với than hầm lò hiện nay khoảng 12%, than lộ thiên khoảng 14%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Indonesia xấp xỉ từ 3- 7%; Trung Quốc: 0- 4% (chỉ tính riêng thuế tài nguyên của Việt Nam đã cao hơn từ 7-10% so với các nước trong khu vực).
Do vậy, để nâng cao sức cạnh tranh của than sản xuất trong nước với than nhập khẩu, giảm sản lượng than tồn của Tập đoàn Than- Khoáng sản về mức độ hợp lý (khoảng 15- 20%), góp phần giúp ngành than có đủ điều kiện tích lũy nguồn lực để phát triển, của tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị xem xét điều chỉnh thuế tài nguyên về mức thấp nhất trong khung thuế suất tài nguyên đã được ban hành.
Theo Bộ Tài chính, khung thuế suất tài nguyên của Luật Thuế tài nguyên đối với các mặt hàng than từ 4- 20% và 6- 20% và theo Nghị quyết 1084/2015/UBTVQH13 thì mức thuế suất tài nguyên đối với các mặt hàng than là 10% và 12%, Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016.
Việc xem xét sửa đổi mức thuế suất thuế tài nguyên thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, mức thuế suất thuế tài nguyên quy định tại Nghị quyết 1084/2015/UBTVQH13 mới được ban hành nên cần có thời gian để tổng kết, đánh giá.
Phía Bộ Tài chính trả lời: Mỗi quốc gia có quan điểm khác nhau về chính sách thuế đối với tài nguyên tùy thuộc vào điều kiện của từng nước. Qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia có thể thấy rằng, chính sách thuế đối với tài nguyên của các nước trên thế giới rất đa dạng và thường không theo một khuôn mẫu chung (Canada quy định mức cao nhất là 16%, Áchentina là 3%, Chile quy định mức cao nhất là 14%, Myanmar quy định mức cao nhất là 7,5%).
Mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên phụ thuộc vào tầm quan trọng của từng loại tài nguyên cũng như chính sách của quốc gia đó đối với việc bảo vệ môi trường và đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước.
Theo Bộ Tài chính, tài nguyên (trong đó có than) là một trong những nguồn lực có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội ở nước ta. Chính sách thu hiện hành đối với tài nguyên (thuế, phí) đều được gắn với mục tiêu điều chỉnh riêng, là công cụ tài chính thể hiện vai trò sở hữu nhà nước đối với tài nguyên quốc gia, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên của tổ chức, cá nhân. Việc sửa đổi, bổ sung các chính sách thu đối với tài nguyên thời gian qua nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong mỗi thời kỳ, giai đoạn về bảo vệ, sử dụng tài nguyên hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.