“Giữ hồn” thổ cẩm Tây Nguyên

Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, đồng bào dân tộc tại chỗ ở Đắk Nông nói riêng thì từ bao đời nay, dệt thổ cẩm không chỉ trở thành biểu tượng, nét đẹp văn hóa cổ truyền trong đời sống vật chất, tinh thần mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều gia đình. Song, thực tế cùng với xu hướng phát triển của xã hội, sức tiêu thụ các sản phẩm thổ cẩm giảm dần, những người tâm huyết với nghề không khỏi trăn trở khi “đầu ra” gặp khó khăn.

Trang phục truyền thống của đồng bào M’nông.


Xã Đắk R’Tih, dân số chiếm một nửa là đồng bào dân tộc tại chỗ M’nông. Người phụ nữ M’nông ngoài công việc làm nông nghiệp thì đa phần lúc nhàn rỗi đều chọn nghề dệt thổ cẩm kiếm thêm thu nhập. Vừa là nghề “mẹ truyền con nối”, vừa là nét đẹp văn hóa được lưu giữ bao đời nay đã thêu dệt nên những sản phẩm thổ cẩm sử dụng trong các hoạt động văn hóa, lễ hội, ngày tết như váy, áo, túi xách…

Hiện nay, trên địa bàn xã có gần 1000 phụ nữ dân tộc M’nông tuổi đời từ 18 trở lên thì đã có đến 900 người biết dệt thổ cẩm. Một điều đáng mừng là hơn 70% chị em trong số này là lớp trẻ, từ 18-30 tuổi. Với việc ngày càng có nhiều bạn trẻ biết dệt thổ cẩm thì công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trên địa bàn xã cũng sẽ mang tính chất lâu dài và bền vững.

Theo bà Thị Ai, nghệ nhân truyền dạy nghề dệt thổ cẩm ở bon Bu Koh, không phải ai cũng có thể học được, làm theo được một cách nhanh chóng. Muốn biết dệt, phải tự mò mẫm, nhẫn nại từng chút một, biết cách kết hợp đôi tay vừa nhanh vừa khéo léo. Chỉ sai một đường chỉ nhỏ là sai luôn cả tấm vải. Để dệt xong một tấm váy phải rất kỳ công và tỉ mỉ, bỏ ra nhiều công sức và thời gian. Một tấm váy làm trong 1 tuần và hết 10 cuộn len, cứ như thế 1 tháng thường xuyên làm được 4 tấm.

Nghệ nhân H’Bạch hoàn thiện chiếc váy thổ cẩm.


Còn tại Đắk Nia, niềm vui và hy vọng đến với đồng bào người Mạ khi xây dựng làng nghề truyền thống Liêng Nung, niềm vui chưa kịp tắt thì nhiều hạng mục của công trình đều “trùm mền” với lý do không tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Mặc dù, cả xã có trên10 nghệ nhân thường xuyên dệt thổ cẩm, phần lớn tận dụng thời gian nhàn rỗi và làm tại nhà để kết hợp lo việc gia đình. Nhưng làng nghề chưa tạo được đầu ra nên nhiều chị em gặp rất nhiều khó khăn.

Theo nghệ nhân H’Bạch ở thôn 6, Bon N’Jiêng, xã Đăk Nia, TX Gia Nghĩa với tất cả lòng đam mê, nhiệt huyết và tình yêu giành cho thổ cẩm, dù đã gần 70 tuổi, ở cái tuổi mà con người ta phải nghỉ ngơi và vui vầy bên con cháu thì nghệ nhân lại không ngừng học hỏi, tìm kiếm để không những dệt ra được những bộ váy đẹp nhất mà còn truyền dạy lại nét đẹp văn hóa cho thế hệ trẻ. Quyết không để thế hệ trẻ quên đi trang phục truyền thống của dân tộc và mong càng nhiều người trẻ tìm đến với thổ cẩm hơn.

Nghệ nhân H’Bình, dù mới 26 tuổi nhưng nhờ học hỏi và được chỉ dạy tận tình mà giờ tay nghề rất thành thạo: “Mặc dù giờ phụ nữ toàn mặc quần jean, áo sơ mi, áo cộc tay nhưng tôi mừng lắm, vì giờ không chỉ người già mà còn nhiều phụ nữ trẻ trong bon ai cũng học và dành thời gian cho dệt thổ cẩm.

Thế nhưng, ngược lại với lòng đam mê và nhiệt huyết lưu giữ nghề dệt thổ cẩm của các nghệ nhân và lớp trẻ thì một thực tế đáng buồn khiến các sản phẩm thổ cẩm khó tiêu thụ là do các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số đã “Kinh hóa”. Phần lớn các trang phục truyền thống của buôn làng chỉ được sử dụng trong các dịp lễ tết, cưới hỏi. Còn ngày bình thường, trong lao động, sản xuất rất ít người sử dụng. Vì vậy, muốn nét đẹp truyền thống văn hóa này phát triển bền vững và ổn định trong tương lai, thì chính quyền địa phương cần có sự quan tâm hơn nữa trong việc quảng bá sản phẩm cũng như tìm thị trường tiêu thụ cho bà con.

Lang Hường
Sắc màu thổ cẩm chợ phiên Tây Bắc
Sắc màu thổ cẩm chợ phiên Tây Bắc

Từ bao đời nay, chợ phiên ở vùng Tây Bắc thường họp vào sáng thứ bảy và chủ nhật. Đồng bào Mông, Tày trên núi cao đi chợ tấp nập như đi hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN