Với lòng say mê văn hóa Tây Nguyên, vợ chồng ông Lê Tuấn - bà Kim Cúc (phố Phạm Hồng Thái, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã sưu tầm, lưu giữ nhiều hiện vật văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.Ông Tuấn cho biết, vì yêu Tây Nguyên và muốn gìn giữ cho muôn đời sau nên vợ chồng ông mới lưu giữ, sưu tập. Từ năm 1992, những chuyến điền dã xa xôi đến các buôn làng cùng tình cảm của đồng bào như tiếp thêm cho vợ chồng ông niềm yêu nghề và động lực sưu tầm các hiện vật văn hóa dân gian. Ý tưởng sưu tầm văn hóa Tây Nguyên được hình thành từ khi bà Cúc còn là một sinh viên. Từ đó bà nghĩ rằng chỉ có đi sâu về văn hóa mới có thể đưa Tây Nguyên đến với mọi người. “Đích đến cuối cùng là một bảo tàng về Tây Nguyên”, ông Lê Tuấn tiết lộ.
Ông Lê Tuấn và bộ sưu tập trống, chiêng, ché... |
Vòng đeo tay của đồng bào dân tộc vùng Tây Nguyên. |
Ông Lê Tuấn vốn là một võ sư karate với niềm đam mê trống cổ. Có cùng đam mê, sở thích và lòng yêu văn hóa nên luôn đồng hành cùng vợ sưu tầm hiện vật văn hóa Tây Nguyên. Học trò của ông Tuấn biết thầy có niềm đam mê nên khi có hiện vật ở đâu là báo tin để ông tìm đến. Có những khi đồng bào vì không có tiền chữa bệnh mà buộc phải bán đi những hiện vật họ yêu quý, khi ấy vợ chồng ông Tuấn không có tiền cũng phải cố đi vay mượn khắp nơi để đưa cho họ chuộc lại.
Căng tai của đồng bào Ê đê. |
Hiện nay, số lượng hiện vật trong bộ sưu tập của gia đình ông Tuấn đã có trên 3.000 chiếc, được chia làm 4 nhóm chính: Dụng cụ sinh hoạt hàng ngày như ghế K’pan, gùi, bát, xà gạc (1 loại vũ khí), ché (bình đựng rượu), chén bát gốm, đồng, đất, thuyền độc mộc. Vật trang sức với hơn 100 cái: Khuyên tai, vòng, thắt lưng, trang phục thường ngày, trang phục lễ hội… Công cụ lao động: Khung cửi, đồ nhuộm, sợi, dụng cụ săn bắt trên cạn, dưới nước. Nhạc cụ dân tộc: Cồng chiêng, trống của các dân tộc như chiêng Aráp, pí, M’nông prố… đặc biệt là bộ sưu tập nhạc cụ và đồ dùng sinh hoạt với 137 trống cái của người Aráp và hơn 100 ché rượu với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo và hoa văn đặc sắc.
Bài và ảnh: Lê Lâm Tùng