Mô hình Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu mới như điển hình là HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã và đang từng bước khẳng định vị thế của người nông dân trong chuỗi giá trị lúa gạo.
Làm nông dân “hiện đại”
Với 12 ha đất chủ yếu trồng lúa chất lượng cao, ông Huỳnh Thanh Thao, xã viên của HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Cường không giấu được niềm vui khi ông nhẩm tính tổng kết năm 2014, sau khi trừ hết chi phí sản xuất hai vụ lúa đông xuân và hè thu gia đình ông lãi khoảng 500 triệu đồng. Ông Thao hồ hởi nói: “Kể từ khi tham gia vào HTX và liên kết với doanh nghiệp, được trồng giống lúa tốt, năng suất cao, chi phí đầu vào giảm và đầu ra ổn định, tôi thấy trồng lúa bây giờ có ăn rồi chứ không nợ nần chồng chất như xưa nữa”.
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Cương sơ kết hoạt động sản xuất liên kết vụ lúa đông xuân với các xã viên. |
Theo tính toán của ông, nhờ được doanh nghiệp liên kết sản xuất cung cấp các loại vật tư nông nghiệp, giống lúa với giá gốc do không thông qua đại lý, có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn sản xuất để đảm bảo năng suất nên 1 ha lúa thu đến 7- 8 tấn và tiền lãi trung bình khoảng 20 - 25 triệu đồng. Ông Thao cho biết thêm: “Giờ bà con tham gia HTX ai cũng hăng hái vì không bị ép giá nữa. HTX đứng ra bán lúa cho doanh nghiệp trên một cánh đồng nên giá cả đồng đều. Không chỉ vậy, từ hai năm trở lại đây doanh nghiệp ký kết đặt giống lúa với HTX, thu mua cao hơn từ 100 - 200 đồng/kg so với thị trường nên thu nhập của bà con tốt hơn”.
Được biết, khi tham gia vào HTX, mỗi xã viên như ông Thao mua cổ phần với giá là 120 đồng/cổ phần và vào năm 2013, lợi tức từ mỗi cổ phần là 65.000 đồng. “Hiện tôi có 200 cổ phần và được biết mức cổ tức dự kiến năm nay là 70.000 đồng/cổ phiếu, như vậy sẽ có thêm 14 triệu đồng để chăm lo cho cái Tết Nguyên đán sắp tới nữa. Làm lúa như vậy thì ai mà không ham chứ” - Ông cười nói.
HTX - Hạt nhân hiệu quả của chuỗi giá trị
HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Cường được thành lập từ năm 2000, bước đầu với nhiệm vụ phục vụ tưới tiêu. Hiện tại HTX này chuyển sang hình thức cánh đồng liên kết, sản xuất theo hướng hiện đại với diện tích hơn 1.200 ha và đã có 5 xã viên. Ông Nguyễn Văn Trãi, Giám đốc HTX: “Từ khi HTX tổ chức liên kết sản xuất, các xã viên bán lúa với giá cao hơn so với các vùng thu hoạch đồng loạt. Nguyên nhân là vì bà con nông dân biết liên kết lại với nhau tổ chức sản xuất diện tích lớn, xuống giống đồng loạt, quy trình sản xuất đảm bảo nên tạo ra sản phẩm có sản phẩm có chất lượng, sản lượng đồng đều, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp”.
Theo kinh nghiệm thực tế của nhiều HTX, việc đảm bảo tín nhiệm, thực hiện thành công hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm phải xuất phát từ 2 phía. Đối với HTX, là đầu mối trung gian, trước hết phải tổ chức sản xuất có sản phẩm chất lượng cao, đồng thời cương quyết vận động xã viên làm đúng hợp đồng. Bên cạnh đó là phải đánh giá lại năng lực tài chính và độ tin cậy của các doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích cho xã viên. Tuy nhiên, theo ông Trải, việc liên kết với các doanh nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là khó có thể đánh giá được năng lực tài chính của doanh nghiệp.
“Từ 2005 đến nay, HTX cũng đã liên kết 9, 10 doanh nghiệp. Nhưng qua thời gian liên kết như vậy mình thấy không trọn vẹn. Như năm vừa rồi HTX liên kết với một doanh nghiệp chuyên kinh doanh lúa gạo, thì vụ thu đông bán trọn vẹn nhưng đến vụ đông xuân mình bán được 4,5 tỷ đồng thì công ty này chỉ trả được 3,5 tỷ đồng nên HTX phải xuất tiền ra trả cho bà con xã viên. Tới vụ hè thu 2014, bán được 1,6 tỷ nhưng cũng chỉ trả 1,1 tỷ, còn 500 triệu thiếu nợ và kéo dài một tháng. Nói chung biết doanh nghiệp nào có năng lực tài chính cũng là vấn đề khó”- ông Trãi nhìn nhận.
Để giải quyết khó khăn nói trên, HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Cường đã thông qua Đại hội cổ đông về việc triển khai dự án làm nhà máy xay xát, sấy gạo với trị giá 40 tỷ đồng. Vì hiện nay HTX đã có hệ thống kho chứa khoảng 2.000 tấn, do vậy đầu tư thêm nhà máy là một hướng đi tự chủ, tháo gỡ khó khăn trong mối liên kết giữa doanh nghiệp với HTX hiện nay. Với cách làm này, các chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, giá trị gia tăng lại nằm ở giai đoạn tinh chế từ lúa ra gạo. Do vậy, nếu HTX tự chủ luôn cả khâu chế biến thì nông dân sẽ hưởng trọn lợi nhuận từ chuỗi giá trị lúa gạo này.
Có thể nói rằng, những HTX kiểu mới này sẽ là những hạt nhân đảm bảo hiệu quả cho các đề án chuỗi giá trị lúa gạo tại nhiều tỉnh ĐBSCL, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp xuất khẩu, trên cơ sở hài hòa lợi ích của cả hai bên. Quan trọng hơn, bản thân người nông dân tự nâng cao vị thế của mình, thông qua các HTX kiểu mới, trở thành những người nông dân hiện đại.
Bài và ảnh: Đ.A