Hội nghị khí hậu Liên hợp quốc (COP20) ngày 14/12 đã kết thúc với một thỏa thuận dù không toàn diện nhưng có thể chấp nhận được cho các bên, giúp hội nghị không thất bại vào phút chót.
Thỏa thuận đạt được sau khi hội nghị phải kéo dài thời gian đàm phán do các bên xung đột nảy lửa, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Các phần “xương xẩu” nhất đều được để lại cho hội nghị năm sau.
Đại diện các nước vui mừng sau khi đạt được thỏa thuận khung tại hội nghị. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo thỏa thuận đạt được tại Lima, Peru, các chính phủ sẽ trình kế hoạch quốc gia của mình trong đó nói rõ các biện pháp giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trước hạn chót là 31/3/2015. Các kế hoạch quốc gia này sẽ là nền tảng để thống nhất một thỏa thuận toàn cầu cho hội nghị khí hậu năm 2015 ở Paris, Pháp.
Hội nghị có nguy cơ thất bại do các nước như Ấn Độ và Trung Quốc cho rằng dự thảo thỏa thuận của hội nghị đã đặt trách nhiệm cắt giảm khí thải đối với các nước mới nổi nặng nề hơn so với các nước giàu. Sau hội nghị, Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Prakash Javedekar tỏ ra hài lòng vì thỏa thuận đạt được vẫn giữ nguyên quan điểm của của Công ước khung của Liên hợp quốc về khí hậu năm 1992, theo đó nước giàu phải đi đầu trong giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Thỏa thuận cũng làm hài lòng các nước giàu như Mỹ - vốn cho rằng đã đến lúc các nền kinh tế mới nổi cần kiềm chế lượng khí thải gia tăng ngày càng nhanh.
Trong khi đó, các tổ chức hoạt động môi trường cho rằng thỏa thuận "Lời kêu gọi hành động vì khí hậu từ Lima" còn quá yếu ớt và không có tính ràng buộc về pháp lý.
Nhật Huy