Lễ cúng phước biển là lễ hội của người Khmer ở Sóc Trăng, không chỉ lễ cầu siêu cho những người đi biển không trở về mà còn là lễ cầu an của cộng đồng người Khmer và để tạ ơn biển đã ban cho con người nguồn thực phẩm phong phú.Tên của lễ cúng phước biển (Chrôi rum chêk) bắt nguồn từ một từ của tiếng Khmer, rum chêk là cây dứa gai, chrôi là vùng đất, gò đất. Chrôi rum chêk là gò đất có nhiều cây dứa gai. Cách nay khoảng 200 năm, Chrôi rum chêk cũng là tên của một phum khá lớn thuộc xã Vĩnh Châu, huyện Vĩnh Châu (nay là phường 2, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng). Trước đây, người Khmer ở ven biển Vĩnh Châu thường đẩy xiệp (một dụng cụ đánh bắt hải sản) và ngâm mình dưới nước biển để đánh bắt cá, nên dễ bị nhiễm độc. Họ dùng hình ảnh những gai nhọn trên cây dứa gai làm biểu tượng cho việc trừ độc, trừ tà ma tại môi trường đang sinh sống.
Điệu múa truyền thống của người Khmer trong lễ cúng phước biển. Ảnh: Sưu tầm |
Tương truyền, lễ cúng phước biển đã tồn tại cách nay hàng trăm năm, diễn ra trong hai ngày 14 và 15 tháng 2 âm lịch hàng năm. Ban đầu lễ này chỉ diễn ra tự phát với quy mô nhỏ, hình thành từ ý tưởng của Tà Hu (Tà là ông, Hu là tên riêng). Ông dựng một ngôi tháp trên giồng cát, gần chùa Cà Săng, thuộc địa điểm tổ chức lễ hội ngày nay để người dân đến thắp hương. Ông chọn ngày rằm tháng 2 âm lịch (tức rằm tháng 11 của người Khmer) để lập đàn làm phước, vì đây là thời điểm trời yên, biển lặng, ngư dân đi biển về đầy ắp cá tôm. Dần dần buổi làm phước này được nhiều người quan tâm, nhiệt tình hưởng ứng và trở thành lễ cúng phước biển như ngày nay.
Người Khmer thắp nhang cầu an ở núi cát. |
Hiện nay, Lễ cúng phước biển được tổ chức ở chùa Cà Săng, diễn ra trong 2 đêm: đêm vào đám bắt đầu bằng nghi thức sư cả cầu siêu cho các vong linh đã khuất trong quá trình đi biển. Sau đó, người dân cùng đọc kinh cầu nguyện cho các vong nhân.
Đêm cúng Phật là đêm chính của lễ hội, mọi người tập trung nghe sư cả thuyết pháp, tụng niệm cầu xin cho mùa màng được bội thu, đời sống người dân được an lành, đặc biệt là việc đánh bắt được nhiều cá, tôm,… Trong đêm này, người Khmer thực hiện nghi lễ đắp núi cát. Trong văn hóa Khmer, việc đắp núi cát là nhằm để cầu siêu cho những người đã chết và để tích phước cho người còn sống (phước chất cao như núi). Việc đắp núi cát còn có ý nghĩa ngăn những đám mây, tạo thành mưa cho mùa màng tươi tốt.
Sau các nghi lễ mang đậm màu sắc tôn giáo là những hoạt động hội hè, giải trí. Nhiều trò chơi thể thao, văn hóa văn nghệ được tổ chức. Các trò chơi này phần lớn là tái hiện lại các nghề chủ yếu mà cư dân ở đây dùng để mưu sinh trong cuộc sống hàng ngày của mình, như: các cô gái gánh nước tưới rẫy, các chàng trai mô phỏng động tác đẩy xiệp, đánh xe bò, đua ghe ngo trên cạn, múa đá gà…
Ngày nay, lễ cúng phước biển không chỉ là lễ hội của riêng ngư dân người Khmer ở Vĩnh Châu mà nó đã trở thành lễ hội của cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa,… ở Sóc Trăng và các tỉnh lân cận. Lễ cúng phước biển có nhiều điểm tương đồng với lễ hội Kỳ Yên của người Kinh, nhưng vẫn giữ được những yếu tố dân gian, thể hiện qua hình ảnh cây dứa gai và các lễ vật cúng là các sản vật nông nghiệp, các loại bánh dân gian…
Bài: Ngọc Tú