Ngày 25/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) công bố quyết định hạ 0,25 điểm cơ bản lãi suất chuẩn tiền gửi và lãi suất cho vay bằng đồng Nhân dân tệ (NDT) bắt đầu từ ngày 26/8. PBoC cũng tuyên bố kể từ ngày 6/9 tới, sẽ hạ 0,5 điểm phần trăm tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng đồng NDT đối với các tổ chức tài chính.
Quang cảnh bên ngoài Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Cục trưởng Cục Nghiên cứu PBoC Lục Lỗi cho rằng tình hình kinh tế quốc tế và trong nước cũng như tình trạng thanh khoản của thị trường tài chính Trung Quốc là nhân tố chủ yếu quyết định việc điều chỉnh chính sách trên. Sự trầm lắng của kinh tế thế giới đã thúc đẩy Trung Quốc phải lấy mở rộng nội nhu làm phương hướng chính.
Nhà kinh tế trưởng của Cục Nghiên cứu PBoC Mã Tuấn cho rằng từ Quý II đến nay, kinh tế thực thể của Trung Quốc có dấu hiệu tăng ổn định nhưng cơ sở vẫn chưa vững chắc. Mức tăng của giá trị gia tăng công nghiệp trong tháng 7 giảm, chỉ số nhà quản lý thu mua (PMI) tháng 8 do Tập đoàn truyền thông tin tức tài chính Trung Quốc công bố giảm... cho thấy áp lực đi xuống nhất định.
Trong khi đó, giá hàng hóa như giá dầu mỏ thời gian gần đây lại giảm mạnh có khả năng tiếp tục kìm hãm tỷ lệ lạm phát trong nước.
Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chứng khoán và tài chính, Đại học Nhân dân Trung Quốc Triệu Tích Quân, ý đồ hạ lãi suất và hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc lần này của PBoC là rất rõ ràng, đó là tăng lòng tin của nhà đầu tư và giảm giá thành vay vốn của doanh nghiệp, từ đó tăng mức lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Theo chuyên gia này, cho dù động thái “hai hạ” này sẽ không dẫn đến vốn trực tiếp đổ vào thị trường chứng khoán song chính sách kích thích này của PBoC sẽ có lợi cho việc tăng cường lòng tin của nhà đầu tư đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, đồng thời làm cho nhiều doanh nghiệp cần vốn giảm được giá thành, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.