Trò chơi tiền tệ nguy hiểm của Trung Quốc

Để hiểu động thái phá giá đồng tiền gây ngạc nhiên của Trung Quốc, chúng ta cần nắm rõ bối cảnh. Trung Quốc đang có động lực chuyển đổi nền kinh tế quy mô lớn, hay ít nhất, đang cố gắng làm như vậy.

Một nhà đầu tư tại công ty chứng khoán Thượng Hải vào ngày 13/ 8, ngày thứ ba liên tiếp Trung Quốc phá giá đồng NDT. Ảnh: AFP


Trong nhiều năm, quốc gia này dựa vào tăng trưởng theo hướng xuất khẩu và đầu tư hàng loạt vào nhà ở, cơ sở hạ tầng (đường xá, cảng biển) và ngành công nghiệp nặng (thép, thủy tinh, nhôm). Mô hình kinh tế này hiện nay dường như đã mất đà. Thương mại thế giới yếu đi. Đầu tư quá nhiều vào nhà ở, cơ sở hạ tầng và công nghiệp đã gây ra sự thừa mứa tại Trung Quốc. Vì vậy, nước này đang xoay qua việc thúc đẩy tăng trưởng dựa vào tiêu thụ thông qua các dịch vụ và gia công.

Sự chuyển đổi này thành công hay thất bại là một vấn đề quan trọng. Một Trung Quốc thành công có khả năng sẽ ổn định hơn. Số phận của đảng cầm quyền cũng phụ thuộc vào kết quả này.

Điều gây ra sự lo lắng ở đây là việc phá giá đồng tiền bất ngờ cho thấy rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đang thận trọng với chiến lược mới và đang quay trở lại một điều gì đó quen thuộc hơn. Việc làm suy yếu đồng nhân dân tệ (NDT) - sẽ giúp các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn trên thị trường thế giới. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm chạp, Trung Quốc sẽ kích thích nền kinh tế bằng cách lấy thị phần xuất khẩu từ các nước khác.

Đương nhiên, điều này sẽ làm phật lòng các đối thủ thương mại của Trung Quốc - Hàn Quốc, Indonesia và nhiều quốc gia khác. Cuộc chiến tranh tiền tệ có thể xảy ra nếu họ đối phó bằng cách phá giá các đồng tiền để cạnh tranh. Hậu quả là nền kinh tế Mỹ cũng sẽ gặp khó khăn. Đồng USD là đồng tiền dự trữ chính của thế giới. Khi các đồng tiền khác giảm giá trị, đồng USD tăng lên. Xuất khẩu của Mỹ sẽ trở nên đắt đỏ hơn, và nhập khẩu vào Mỹ sẽ rẻ hơn. (Lưu ý: Đồng USD đã tăng mạnh so với đồng euro và yen Nhật)

Chúng ta không biết chắc tất cả những gì có thể xảy ra. Trong báo cáo của mình, Trung Quốc mô tả sự mất giá đồng NDT chủ yếu là một sự thay đổi về kỹ thuật –  thực hiện theo “gợi ý” của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) - được thiết kế để ràng buộc giá trị của đồng NDT nhiều hơn đối với các lực lượng thị trường. Nhiều nhà kinh tế nước ngoài đồng ý với quan điểm này. Cho đến nay, sự mất giá là khá khiêm tốn, khoảng 3% tính đến ngày 14/8 vừa qua. Nhưng nếu đồng tiền của Trung Quốc tiếp tục mất giá, tác động của nó có thể sẽ lớn hơn.

"Điều đã làm khuấy đảo thị trường chính là việc sự khởi đầu của một xu hướng có thể gây ra sự sụp đổ. Nếu cuộc chiến tranh tiền tệ nổ ra, bạn có thể tưởng tượng ra các cuộc trả đũa thương mại. Đó là một thế giới không tốt cho sự đầu tư mới", David Dollar, một nhà kinh tế từng làm việc tại Ngân hàng Thế giới và Bộ Tài chính Mỹ, hiện thuộc Viện Brookings nhận định.

Nền kinh tế của Trung Quốc rõ ràng đang tăng trưởng chậm lại. Nhà kinh tế Wang Tao của UBS cho biết, trong tháng 7 vừa qua, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái và một sự thặng dư tài sản khổng lồ đã "kìm kẹp” các nhà phát triển thực hiện các dự án mới. Điều này dẫn đến sự trì trệ trong lĩnh vực nhà đất; đầu tư cơ sở hạ tầng yếu; hoạt động sản xuất thép, các kim loại khác và xi măng cũng bị suy giảm.

Tuy nhiên, đây là những thay đổi cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế hướng tới chi tiêu cho tiêu dùng và tránh sự phụ thuộc quá vào ngành công nghiệp nặng cũng như xuất khẩu. Nhà kinh tế Dollar lập luận, sự chuyển đổi này sẽ tốt hơn so với thực tế chung được nhìn nhận. Tiêu thụ đang tăng trưởng nhanh hơn so với đầu tư, và trong năm qua, thu nhập hộ gia đình tăng 11%. Theo các tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu, nền kinh tế của Trung Quốc đang hoạt động tốt, với mức tăng trưởng hàng năm từ 6 – 7%.

Nhưng các nhà lãnh đạo của Trung Quốc có vẻ lo ngại - sự sụp đổ thị trường chứng khoán gần đây là một ví dụ. Có lẽ họ nghĩ rằng hầu hết người Trung Quốc đều muốn mức tăng trưởng hàng năm 10% (mức tăng trưởng trung bình của Trung Quốc giai đoạn 1980-2010). Hoặc có lẽ họ sợ giới trẻ trở nên hiếu động. "Họ đang tạo ra 7 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học/năm. Thật khó để tạo công việc tốt cho tất cả những những người này", Dollar nói.

Bất kể nguyên nhân là gì, mối nguy hiểm chính ở đây là Trung Quốc sẽ gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu khi đồng NDT mất giá quá đà. Công bằng mà nói, các quan chức Trung Quốc đã nói rằng họ không muốn một sự phá giá đồng tiền của mình sâu. Nếu đúng như vậy, tất cả những lo âu và khó chịu hồi tuần trước sẽ trở nên vô nghĩa. Nhưng hoàn cảnh luôn thay đổi, và các chính phủ đôi khi làm những điều mà họ nói rằng họ không muốn.

Công Thuận (Theo W.P)
Moody's đánh giá cao quyết sách hạ giá đồng NDT
Moody's đánh giá cao quyết sách hạ giá đồng NDT

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đánh giá “nước đi” hạ giá đồng NDT của Trung Quốc sẽ tăng cường tính linh hoạt của đồng này và hỗ trợ "tự do hóa” tài khoản đầu tư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN