Vụ các tay súng thuộc nhóm "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng hành quyết nhà báo Mỹ James Foley khiến dư luận nước Mỹ chấn động, đòi hỏi giới chức nước này phải đưa ra những phản ứng mạnh mẽ.
Ngày 21/8, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder thông báo bộ này đã mở một cuộc điều tra hình sự liên quan tới cái chết của nhà báo Foley.
Ngay sau khi IS tung ra đoạn video dài gần 5 phút chiếu cảnh nhà báo Mỹ Foley bị hành quyết và các cơ quan an ninh Mỹ đã xác nhận tính chân thực của đoạn băng, Mỹ đã tăng cường thêm các cuộc không kích vào miền Bắc Iraq. Trong ngày 20/8, các máy bay không người lái và máy bay chiến đấu Mỹ đã tiến hành tổng cộng 14 vụ không kích nhằm vào các mục tiêu của IS ở gần đập thủy điện Mosul, nơi các tay súng người Kurd đã chiếm lại được một phần quyền kiểm soát. Các cuộc không kích đã phá hủy 6 xe hạng nhẹ Humvees, 3 khu vực điều chế các thiết bị gây nổ, 1 súng cối và 2 xe tải vũ trang của IS.
Lầu Năm Góc đang cân nhắc điều thêm 300 cố vấn quân sự tới Iraq nhằm tăng cường bảo vệ an ninh cho các cơ sở ngoại giao của Mỹ tại đây. Nếu được thực hiện, đây sẽ là lần bổ sung thứ ba của Mỹ, nâng tổng số cố vấn quân sự, nhân viên an ninh và lính thủy quân lục chiến của Mỹ tại Iraq lên 1.150 người.
James Foley, 40 tuổi, là một nhà báo giàu kinh nghiệm từng bám sát mảng tin về tình hình chiến sự tại Trung Đông trong 5 năm qua. Ông là cộng tác viên cho "GlobalPost", hãng tin Pháp AFP và nhiều đài phát thanh khác. Theo các nhân chứng, Foley bị IS bắt giữ tại tỉnh Idlib ở miền Bắc Syria ngày 22/11/2012. Trong khi đó, nhà báo Sotloff bị IS bắt cóc từ tháng Tám năm ngoái.
Trong khi đó, dư luận quốc tế cũng lên án mạnh mẽ vụ IS sát hại dã man nhà báo Mỹ. Trong một tuyên bố đưa ra ngày 21/8, Liên minh châu Âu (EU) đã chỉ trích vụ các phần tử thánh chiến Hồi giáo chặt đầu nhà báo Foley, và gọi vụ giết người này là sự phủ nhận hoàn toàn "các giá trị được toàn cầu công nhận".
Phát ngôn viên của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU, Sebastien Brabant, khẳng định EU cực lực lên án vụ giết người, coi hành động tàn bạo này cũng như nhiều hành động vi phạm nhân quyền khác của IS là sự phủ nhận các quyền và giá trị được thế giới công nhận. EU nhấn mạnh các hình thức khủng bố kiểu như vậy tạo ra một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với hòa bình và an ninh quốc tế, và hơn bao giờ hết, EU ủng hộ những nỗ lực quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố.
* Cùng ngày, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cũng đã lên án vụ sát hại nhà báo Foley và kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng hành động đối mặt với mối đe dọa từ phía Hồi giáo cực đoan. Thông cáo của Tổng Thư ký Interpol Ronald Noble kêu gọi "sự phản ứng toàn diện đối với mối đe dọa khủng bố từ các chiến binh cực đoan xuyên quốc gia trong khu vực xung đột ở Trung Đông".
TTXVN/ Tin Tức