Ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp tính do MERS-CoV

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do MERS-CoV tại các nước trong khu vực; ngành y tế đã nhanh chóng vào cuộc triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Ngày 3/6, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y Tế đã có công văn khẩn về việc phát hiện sớm và chuẩn bị tốt việc phòng, chống bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp tính do MERS-CoV.

Bộ Y tế họp ban chỉ đạo đối phó với dịch bệnh gần giống SARS.



Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long:

Áp dụng ngay tờ khai y tế với các hành khách đi từ Hàn Quốc và Bahrain.

Cần tăng cường giám sát tại các cửa khẩu về tờ khai, nhiệt độ của hành khách; đặc biệt phải triển khai đồng bộ ở tất cả các cửa khẩu, không chỉ ở cửa khẩu Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Do dịch bệnh MERS- CoV hoàn toàn có thể xâm nhập trực tiếp từ Hàn Quốc vào Việt Nam, chứ không chỉ từ Trung Đông, vì vậy ngoài 9 nước vùng Trung Đông đang áp dụng tờ khai y tế, cần áp dụng ngay tờ khai y tế với các hành khách đến từ Hàn Quốc và Bahrain. Tờ khai cần in bằng cả tiếng Anh, Việt, Hàn Quốc và bắt buộc các cửa khẩu phải có thông tin về dịch bệnh bằng tiếng Hàn. Có thể tổ chức phát tờ rơi trên máy bay để tuyên truyền đến mọi hành khách”.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến :

Người dân không nên hoang mang, lo lắng.

Trừ khi quá cần thiết, tốt nhất vào thời gian này, người dân không nên đi du lịch, công tác tới các nước vùng Trung Đông hiện đang có dịch. Những người đi về từ Hàn Quốc, Trung Quốc về đều phải khai báo tại cửa khẩu và chủ động khai báo với cơ sở y tế nếu có biểu hiện bất thường khi đi khám. Thời tiết nắng nóng dễ gây ra các bệnh đường hô hấp, do vậy, mỗi người dân phải biết cách tự phòng bệnh bằng cách vệ sinh tay thường xuyên, không nên để trẻ em ra những nơi nắng nóng và những nơi tập trung đông người. Người dân cần chủ động phòng bệnh, và không nên hoang mang lo lắng. Về phía cơ quan chức năng, ngành y tế quyết tâm không để dịch xâm nhập vào Việt Nam.

Theo đó, yêu cầu các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đơn vị y tế trực thuộc các bộ, ngành thực hiện và chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc thực hiện ngay một số nội dung phòng dịch. Cụ thể, tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh: Người bệnh có triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt…) phải được phân luồng và khám, tư vấn tại buồng khám riêng biệt. Tại buồng khám riêng biệt này phải khai thác các yếu tố dịch tễ của người bệnh sống hoặc đến từ các nước vùng Trung Đông như Ảrập Xêút, Qatar, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Oman, Yemen, Kuwait, Lebenon, Jordan, Iran, Bahrain... và Hàn Quốc trong vòng 14 ngày, nếu thấy nghi ngờ trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính do MERS-CoV cần cách ly tạm thời, thông báo khẩn cho y tế dự phòng lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương hoặc Viện Pastuer TP Hồ Chí Minh để chẩn đoán kịp thời.

Áp dụng các biện pháp bắt buộc về phòng ngừa chuẩn và giọt bắn cho nhân viên y tế có tiếp xúc với người bệnh có triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp tính trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay thường quy… Tổ chức tập huấn lại hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV) đã được ban hành theo Quyết định số 3014/QĐ-BYT ngày 13/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế cho các đơn vị liên quan và thực hiện nghiêm túc Hướng dẫn chẩn đoán trên.

Bên cạnh đó, cần chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị khi có ca bệnh. Thực hiện tốt theo quy định việc thu dung, cách ly, điều trị các ca bệnh MERS-CoV, hạn chế lây lan và tử vong. Tăng cường công tác truyền thông trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhằm phát hiện, phòng chống bệnh MERS- CoV như: Tình hình bệnh dịch MERS- CoV hiện nay, các biện pháp phát hiện, phòng lây nhiễm để người bệnh tự giác khai báo tiền sử đi lại tại các nước liên quan đến dịch bệnh.

Cũng trong ngày 3/6, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã làm việc với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam về công tác phòng chống và điều trị bệnh MERS-CoV. Trong đó, nhấn mạnh việc tăng cường quản lý ca bệnh và kiểm soát nhiễm khuẩn trong các bệnh viện nhằm đối phó với tình huống dịch bệnh MERS-CoV có thể xâm nhập vào Việt Nam.

PGS, TS Lương Ngọc Khuê cho biết, các bệnh dịch nguy hiểm ở Việt Nam như dịch SARS, H5N1 thường được phát hiện từ bệnh viện… Mặt khác, bệnh dịch MERS-CoV có đặc điểm thời gian ủ bệnh lâu (khoảng 2 tuần), các triệu chứng rất dễ nhầm lẫn, khó phân biệt với một số bệnh cúm, bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác. Do đó, công tác khai thác thông tin, các yếu tố dịch tễ của người bệnh từ vùng có dịch, công tác khám chữa bệnh, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh trong bệnh viện đóng vai trò quan trọng và rất cần sự chia sẻ kinh nghiệm từ Tổ chức Y tế Thế giới.

Trước đó, ngày 19/5, Hàn Quốc đã ghi nhận ca bệnh MERS-CoV đầu tiên, đây là ca bệnh xâm nhập sau khi người này trở về từ khu vực Trung Đông. Sau 2 tuần, tính đến ngày 2/6, tại Hàn Quốc đã ghi nhận 25 người nhiễm MERS-CoV, trong đó có 2 trường hợp đã tử vong (một phụ nữ 58 tuổi và một cụ ông 71 tuổi). Ngày 29/5, tại Trung Quốc cũng đã ghi nhận một trường hợp mắc bệnh đầu tiên, là công dân Hàn Quốc. Bệnh nhân trước đó đã bị lây nhiễm từ Hàn Quốc, khi sang Trung Quốc thì khởi phát bệnh. Xảy ra lần đầu tiên tại Ả Rập Xê út từ năm 2012, tới nay vi rút Corona đã lây lan ra 26 quốc gia với 1.154 người mắc MERS-CoV, trong đó có 434 ca tử vong đã được ghi nhận (tỷ lệ tử vong trên tổng số người mắc bệnh là %).

Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, ngày 4/6, Cục Quản lý khám chữa bệnh sẽ đi kiểm tra hoạt động của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch tại một số bệnh viện ở phía Nam. Đoàn sẽ kiểm tra công tác chuyên môn, công tác cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, vấn đề mai táng, vệ sinh… trong bệnh viện. Cục cũng chỉ đạo các bệnh viện tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị MERS-CoV cùng với tập huấn điều trị các bệnh truyền nhiễm khác… Đồng thời, yêu cầu các bệnh viện tuyến Trung ương, Sở Y tế các tỉnh, thành phố và y tế các bộ, ngành chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất thuốc, trang thiết bị, kịp thời ứng phó với bệnh MERS-CoV; tập huấn cho cán bộ hướng dẫn chẩn đoán điều trị về bệnh MERS-CoV... “Cục sẽ tăng cường phối hợp cập nhật tình hình dịch bệnh và những người có nguy cơ từ vùng dịch về để quản lý và điều trị kịp thời”, PGS, TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, từ dịch SARS cho thấy kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý ca bệnh rất quan trọng. Các cán bộ y tế, người chăm sóc là những người có nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh nên cần tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn như rửa tay, đeo khẩu trang thường xuyên khi tiếp xúc với người bệnh có triệu chứng sốt, ho... Bên cạnh đó, tại các khoa khám bệnh cần có những hình ảnh tuyên truyền về những triệu chứng của bệnh MERS-CoV để nhiều người biết và chủ động khai báo thông tin với cán bộ y tế. Các bệnh viện cần tăng cường năng lực quản lý lâm sàng các ca bệnh truyền nhiễm và có danh sách những bệnh viện có đủ năng lực quản lý ca bệnh để tập trung điều trị người bị nhiễm MERS-CoV.

Tạ Nguyên- Hà Phương- TTN
Triển khai phòng chống dịch bệnh MERS
Triển khai phòng chống dịch bệnh MERS

Cần tăng cường quản lý ca bệnh và kiểm soát nhiễm khuẩn trong các bệnh viện nhằm đối phó với tình huống dịch bệnh MERS-CoV có thể xâm nhập vào Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN