Các nhà hoạt động quyền dân sự Mỹ từ ngày 29/11 đã khởi động cuộc tuần hành kéo dài 7 ngày để yêu cầu cải tổ lực lượng cảnh sát, đồng thời phản đối phán quyết của một bồi thẩm đoàn Missouri đã không truy tố viên cảnh sát da trắng sau khi bắn chết một thanh niên da màu.Đoàn tuần hành của NAACP tại Ferguson ngày 29/11. |
Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP) đã tổ chức cuộc đi bộ có tên “Hành trình vì công lý” dài 192 km. Hành trình bắt đầu từ khu ngoại ô St Louis của thành phố Ferguson, bang Missouri - nơi thanh niên da màu Michael Brown bị bắn chết cách đây ba tháng và kết thúc ở thủ phủ bang là thành phố Jefferson.
Nhóm hạt nhân của NAACP tham gia hành trình gồm 100 người đến từ nhiều bang. Họ hi vọng thu hút được hàng nghìn người cùng tham gia để cùng góp tiếng nói đòi sa thải cảnh sát trưởng Ferguson, cải cách toàn bộ lực lượng cảnh sát quốc gia và chấm dứt tình trạng phân biệt chủng tộc. Chủ tịch NAACP, ông Cornell William Brooks, tuyên bố: “Những gì chúng tôi đã nỗ lực làm ở đây là tìm công lý cho một gia đình đang đau khổ”.
Về các biện pháp cải cách, NAACP muốn cảnh sát tăng cường sử dụng camera, thay đổi việc sử dụng trang thiết bị quân sự trong cảnh sát, tăng cường đa dạng sắc tộc trong lực lượng cảnh sát, chấm dứt dùng vũ lực đối với các lỗi vi phạm nhỏ.
Sau bài phát biểu, ông Brooks đã cầu nguyện ở khu vực tưởng niệm Michael Brown, sau đó dẫn đầu đoàn tuần hành tiến về đại lộ West Florissant. Hai chiếc xe buýt và một đoàn ô tô cùng đi theo 100 người tuần hành để sẵn sàng hỗ trợ khi họ mệt vì đi bộ nhiều. Hành trình vì công lý là cuộc biểu tình mới nhất trong hàng loạt cuộc tuần hành bùng nổ khắp nước Mỹ sau phán quyết gây tranh cãi của bồi thẩm đoàn.
Một diễn biến đáng chú ý trong vụ Ferguson ngày 29/11 là viên cảnh sát da trắng Darren Wilson, người đã bắn Michael Brown, đã quyết định từ chức. Wilson viết trong bức thư: “Tôi hi vọng việc từ chức sẽ giúp cộng đồng hàn gắn”. Wilson cho biết thêm dù muốn tiếp tục công việc nhưng buộc phải ra đi để đảm bảo an toàn cho người dân địa phương và đồng nghiệp.
Tuy nhiên, quyết định từ chức của Wilson hầu như không có tác dụng hạ nhiệt cuộc biểu tình. Hàng chục người đã tập trung lại bên ngoài sở cảnh sát Ferguson, đốt cờ Mỹ và la ó cảnh sát. Trước đó, 15 người biểu tình đã bị bắt ngày 28/11 bên ngoài sở cảnh sát Ferguson và sau khi người biểu tình bao vây một khu mua sắm ở St Louis, đòi tẩy chay mua sắm sau ngày lễ Tạ ơn.
Tại thành phố New York, khoảng 200 người biểu tình cũng hưởng ứng phong trào này. Họ tụ tập phản đối trước cửa hàng chính của hãng bán lẻ Macy tại quảng trường Herald. Ở khu vực Vịnh San Francisco, người dân còn chặn các chuyến tàu ra vào ga Tây Oakland, làm tê liệt hệ thống vận tải BART trong suốt hơn 2 giờ đồng hồ.
Thùy Dương