Nhà Trắng bắt đầu vận động Quốc hội ủng hộ thỏa thuận với Iran

Trước một Quốc hội do đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát vẫn còn hoài nghi, thậm chí phản đối thỏa thuận mang tính lịch sử vừa ký kết liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran, ngày 15/7, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đồng loạt mở chiến dịch vận động các nhà lập pháp ủng hộ thành quả ngoại giao vừa đạt được này.

Tổng thống Obama cảnh báo sẽ phủ quyết mọi dự luật của Quốc hội Mỹ ngăn cản việc thực thi thỏa thuận hạt nhân. Ảnh: AFP/ TTXVN


Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn phát biểu của Tổng thống Barack Obama trong cuộc họp báo ngày 15/7 được truyền hình trực tiếp khắp cả nước khẳng định thỏa thuận mà Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) vừa ký kết ngày 14/7, theo đó hạn chế chương trình hạt nhân của Iran, là cách tốt nhất để tránh được một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân và một cuộc chiến tranh mới ở khu vực Trung Đông. Theo lập luận của người đứng đầu Nhà Trắng, “không có một thỏa thuận, sẽ không thể hạn chế được chương trình hạt nhân của Iran trong lúc Tehran đang tiến gần tới chỗ chế tạo được một quả bom hạt nhân”. Tổng thống Obama cho rằng nếu nước Mỹ lúc này không chớp lấy cơ hội để ký được một thỏa thuận thì “các thế hệ tương lai sẽ phán xử chúng ta một cách nghiêm khắc”. Ông Obama cảnh báo nếu không hạn chế được tham vọng hạt nhân của Iran thì nhiều quốc gia khác trong khu vực sẽ buộc phải lao vào theo đuổi các chương trình hạt nhân và điều đó có nguy cơ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân nguy hiểm, thậm chí cả một cuộc chiến tranh. Tổng thống Obama một mặt hối thúc các nhà lập pháp, nhất là các nghị sỹ của đảng Cộng hòa, ủng hộ và thông qua thỏa thuận này, mặt khác tuyên bố sẵn sàng sử dụng quyền phủ quyết nếu Quốc hội bác bỏ.

Cùng ngày, Phó tổng thống Joe Biden cũng đã tiến hành cuộc vận động tại Quốc hội Mỹ. Các nguồn tin từ Quốc hội cho biết, trong cuộc họp kín với các nghị sỹ của đảng Dân chủ tại Hạ viện, ông Joe Biden khẳng định thỏa thuận vừa ký kết không có điều khoản nào loại bỏ các phương án của Mỹ, kể cả các biện pháp quân sự, trong trường hợp Iran vi phạm thỏa thuận. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, một số nghị sỹ cho biết, trong cuộc gặp Phó tổng thống Joe Biden nói rằng việc bác bỏ thỏa thuận có thể dẫn tới nguy cơ gây chia rẽ với các nước lớn khác trong nhóm P5+1, làm giảm hiệu quả của các biện pháp trừng phạt. Một số nghị sỹ khác cho biết phần đông các nhà lập pháp của đảng Dân chủ ủng hộ cái mà các chuyên gia mô tả là “thành tích ngoại giao lớn nhất” của Tổng thống Barack Obama trong hai nhiệm kỳ vừa qua.

Theo đạo luật đã được lưỡng viện Quốc hội thông qua hồi tháng 5 và Tổng thống Barack Obama đã ký đưa vào thực hiện, Thượng viện và Hạ viện Mỹ có 60 ngày để xem xét và thông qua một nghị quyết ủng hộ hoặc bác bỏ thỏa thuận vừa ký kết với Iran. Các cuộc tranh luận về thỏa thuận này dự kiến sẽ được bắt đầu ngay trong tuần này khi Quốc hội nhận được văn bản chính thức của thỏa thuận. Trong trường hợp Quốc hội bác bỏ, Tổng thống Obama có thể sử dụng quyền phủ quyết và để bác bỏ quyền phủ quyết của Tổng thống, các nghị sỹ đảng Cộng hòa phải huy động được 2/3 số phiếu. Đây là một khả năng được dự báo khó diễn ra trên thực tế. Một trong những lý do các nghị sỹ đảng Cộng hòa phản đối là vì, theo lập luận của họ, chính quyền của Tổng thống Obama đã nhượng bộ quá nhiều trong đàm phán, không ép được Iran từ bỏ hẳn chương trình hạt nhân. Áp lực và tâm trạng lo lắng của các đồng minh của Mỹ trong khu vực, nhất là các nước hiện do người Hồi giáo dòng Sunni cầm quyền như Arabia Saudi hoặc Israel, cũng là nguyên nhân khiến các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa phản đối. Tuy nhiên Nhà lãnh đạo Mỹ bày tỏ thông cảm với Israel về những mối quan ngại an ninh chính đáng của nước này liên quan đến Iran, song khẳng định không một nước nào, kể cả Israel, đưa ra được phương án tốt hơn thay cho thỏa thuận trên.

* Ngày 15/7, Mỹ đã trình 1 dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đề nghị cơ quan này thông qua thỏa thuận lịch sử mà Iran và Nhóm P5+1 đạt được hôm 14/7 nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran.


Như vậy bản dự thảo sẽ tìm kiếm sự phê chuẩn chính thức của LHQ đối với thỏa thuận đạt được sau 18 ngày đàm phán đầy chông gai này. Dự thảo cũng thay thế khuôn khổ các lệnh trừng phạt hiện hành của HĐBA bằng những biện pháp hạn chế được đề ra trong thỏa thuận mới. Theo thỏa thuận này, một loạt các biện pháp trừng phạt sẽ từng bước được dỡ bỏ khi Iran thực hiện các bước đi tiến tới đình chỉ hoặc hủy bỏ phần lớn chương trình hạt nhân nhằm đảm bảo Tehran không thể chế tạo bom.

Theo một nhà ngoại giao, phiên bỏ phiếu về bản dự thảo trên có thể sẽ diễn ra vào ngày 20-21/7. Dự kiến dự thảo sẽ dễ dàng được thông qua bởi cả 5 ủy viên thường trực nắm quyền phủ quyết tại HĐBA đều tham gia cuộc đàm phán tại Vienna.

TTXVN/Tin tức
Chính giới Mỹ phản ứng trái chiều về thỏa thuận hạt nhân Iran
Chính giới Mỹ phản ứng trái chiều về thỏa thuận hạt nhân Iran

Chính giới Mỹ đã có những phản ứng trái chiều về sự kiện các cường quốc thuộc Nhóm P5+1 và Iran đạt được thỏa thuận lịch sử cho chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước CH Hồi giáo này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN