Ngày 23/3, ít nhất 1.000 nhân viên ngành ngân hàng đã biểu tình tại thủ đô Nicosia của Cộng hòa Cyprus (Síp) và đe dọa sẽ tổ chức đình công quy mô lớn nếu chính phủ không đảm bảo được tương lai cho họ.Các nhân viên ngân hàng tại Cyprus xuống đường biểu tình ngày 23/3. Ảnh: The Nation. |
Đoàn người xuất phát từ trụ sở Hội liên hiệp các nhân viên ngân hàng Cyprus, sau đó tuần hành qua phủ Tổng thống và tòa nhà Quốc hội. Chủ tịch Hội liên hiệp trên Loizos Hadgicostis cho biết nếu chính phủ không bảo đảm được việc làm và quỹ lương hưu, họ sẽ tổ chức biểu tình từ ngày 26/3, thời điểm dự kiến các ngân hàng sẽ mở cửa trở lại kể từ khi đóng cửa ngày 17/3 vừa qua.
Ngày 25/3 là thời hạn chót CH Cyprus phải có được 5,8 tỷ euro (tương đương 7,5 tỷ USD) nếu nước này muốn nhận được gói cứu trợ 10 tỷ euro của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Bộ trưởng Tài chính Cyprus Michalis Sarris cho biết đã đạt được "tiến triển đáng kể" trong các cuộc thương lượng với EU, IMF và Ngân hàng trung ương châu Âu về thỏa thuận cứu trợ 10 tỷ euro để Cyprus tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ.
Trước đó, ngày 22/3, Quốc hội CH Cyprus đã thông qua 3 trong số 8 dự luật do Chính phủ nước này soạn thảo với hy vọng nhận được gói cứu trợ từ EU và IMF đúng thời hạn chót sau đó 3 ngày.
Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để thảo luận cách giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại CH Cyprus. Theo nhiều nguồn tin từ Brussels, việc tái cấu trúc hai ngân hàng của CH Cyprus sẽ là nội dung trọng tâm trong các cuộc đàm phán giữa Nicosia và "bộ ba" nói trên.
Ngày 24/3, Tổng thống CH Cyprus Nicos Anastasiades dự kiến gặp các nhà lãnh đạo EU, trong đó có Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso để bàn cách cứu Cyprus tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ.
TTXVN/Tin Tức