Địa bàn cư trú ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện tự nhiên khó khăn, điều kiện kinh tế kém phát triển, dân trí thấp, vì thế nhiều hủ tục vẫn còn tồn tại trong vùng đồng bào dân tộc Mảng. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương đã góp phần thay đổi đời sống của đồng bào dân tộc Mảng, loại bỏ được nhiều hủ tục lạc hậu, giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều tệ nạn, hủ tục dẫn đến đói nghèo
Đồng bào dân tộc Mảng ở huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) sinh sống tập trung ở 14 bản thuộc 5 xã Nậm Ban, Nậm Pì, Hua Bum, Nậm Hàng và Trung Chải. Với điều kiện tự nhiên khó khăn, vùng sâu, vùng xa, cuộc sống của đồng bào chủ yếu tự cung tự cấp. Trước đây, người Mảng ít được đi học nên không biết đến các kiến thức về khoa học. Người ốm để ở nhà, nhờ thầy Mo đến cúng, không đưa đến các cơ sở y tế để điều trị. Trẻ em sinh ra không được chăm sóc và không được đến trường học chữ. Các hủ tục lạc hậu như kết hôn cận huyết thống, tảo hôn, người chết để lâu ngày, ép gả cưới… thường xuyên xảy ra. Đặc biệt là tình trạng uống rượu triền miên trong đồng bào dẫn đến sức khỏe suy yếu, không có sức lao động.
Điển hình là bản Nậm Vời, xã Nậm Pì có 21 hộ dân và 90 nhân khẩu nhưng chỉ có 3 người ở độ tuổi trên 40 và người nhiều tuổi nhất năm nay mới bước sang tuổi 51. Ở bản này trước đây, tình trạng nghiện rượu, nghiện thuốc cùng hủ tục đã cướp đi sinh mạng của nhiều người đàn ông là trụ cột gia đình, dẫn đến hơn 50% số hộ trong bản chịu cảnh vợ góa, con côi.
Anh Lò Văn Điện, Trưởng bản Nậm Vời, xã Nậm Pì cho biết: Nguyên nhân những người đàn ông của bản chết sớm là do nghiện rượu và thuốc, đến khi sinh bệnh lại nghe lời thầy Mo cúng cho khỏi bệnh. Thầy Mo cúng lâu không khỏi, bệnh nặng mới đưa đi bệnh viện. Có trường hợp ở bản xa, vào mùa mưa cũng không đưa đi được nên không qua khỏi. Khi mời thầy Mo đến cúng, nhà có bao nhiêu lợn, gà đều phải thịt hết. Cuộc sống của người dân đã nghèo lại càng nghèo thêm.
Ông Trần Văn Nam đã gắn bó với đồng bào dân tộc Mảng, huyện Nậm Nhùn từ năm 1991 đến nay. Là cán bộ biên phòng, ông được tăng cường, giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Chải. Ký ức của ông về đồng bào dân tộc Mảng khi mới đặt chân đến là những người sống du mục, canh tác lạc hậu, chủ yếu là săn bắn và hái lượm. Tỷ lệ hộ đói, nghèo rất cao, người dân không biết chữ, tỷ lệ giữa sinh và tử là ngang nhau. Người dân chủ yếu sống trong túp lều bằng tranh tre, nứa lá. Tập quán uống rượu triền miên không lao động diễn ra phổ biến.
Là người dân tộc Mảng, ông Lò A Tư, Chủ tịch HĐND xã Trung Chải, đại biểu Quốc hội khóa XIV, cho biết: Trước đây, đồng bào dân tộc Mảng có nhiều phong tục, hủ tục lạc hậu như: kết hôn cận huyết thống, con cái từ khi sinh ra đã do cha mẹ lựa chọn cho lấy nhau; tình trạng tảo hôn; lấy vợ, lấy chồng chỉ được lấy trên địa bàn mình sinh sống… Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đói nghèo dai dẳng, kém phát triển trong đồng bào dân tộc Mảng.
Nỗ lực xóa hủ tục và tệ nạn, thúc đẩy phát triển
Để các dân tộc đặc biệt khó khăn vươn lên phát triển, việc cần phải làm là xóa các hủ tục lạc hậu, dùng thầy Mo cúng bái để chữa bệnh, tin theo các tà đạo lạ và đẩy lùi các tệ nạn nhất là tệ nạn uống rượu triền miên và nghiện ma túy... Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền để đồng bào dân bỏ những thói quen xấu như sử dụng nhà vệ sinh, nhà tắm không hợp vệ sinh, chăn nuôi gia súc thả rông…, từ đó từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
Từ khi các chính sách của Nhà nước được hỗ trợ tới vùng đồng bào dân tộc như Đề án 1672 về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Mảng ở huyện Nậm Nhùn đã dần được nâng lên. Người dân được thụ hưởng đầy đủ những lợi ích mà đề án mang lại. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ, đồng bào được tiếp cận với thông tin, văn hóa hiện đại, được khám chữa bệnh, con em được đến trường…
Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, để hạn chế tình trạng uống rượu tràn lan và xóa bỏ các hủ tục đã ăn sâu bám rễ trong tiềm thức của đồng bào dân tộc Mảng, các cấp ủy, chính quyền địa phương ở huyện Nậm Nhùn đã tích cực tuyên truyền người dân xóa bỏ các tập quán lạc hậu, thực hiện tốt phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng các bản không ma túy… Cùng với đó, huyện cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở nắm địa bàn, cầm tay chỉ việc, từng bước thay đổi nhận thức để bà con tiếp cận với nếp sống mới, xóa dần các tệ nạn và hủ tục.
Anh Lò Văn Điện, Trưởng bản Nậm Vời, xã Nậm Pì chia sẻ: Nhờ được các cán bộ tuyên truyền nhiều, người dân bây giờ được đi học, đường đi vào bản thuận lợi hơn. Ý thức của bà con cũng được nâng lên. Trước đây, bản nhiều thầy cúng lắm, giờ không ai tin, thầy Mo cũng bỏ nghề hết. Hiện nay, khi bị ốm, đồng bào được cán bộ y tế bản hướng dẫn uống thuốc, bệnh nặng, được đi bệnh viện khám, được Nhà nước hỗ trợ chi phí. Bản gần như không có người say rượu triền miên nữa.
Ông Hà Văn Ruệ, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nậm Nhùn cho biết: Phòng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các bộ phận chuyên môn và các đơn vị liên quan phối hợp trong việc bình xét gia đình văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc Mảng. Qua đó, bà con dần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu như uống rượu nhiều, ma chay, tảo hôn, kết hôn cận huyết thống...
Ngoài ra, đơn vị chú trọng công tác tuyên truyền, nhất là lồng ghép các chương trình đưa thông tin về cơ sở, lồng ghép vào các hương ước, quy ước của các bản. Phòng chỉ đạo cán bộ văn hóa xã hàng tuần trực tiếp xuống bản để nắm bắt việc thực hiện nếp sống văn hóa mới. “Qua nhiều năm triển khai, nhận thức của đồng bào dân tộc Mảng ngày một nâng lên, tình trạng hôn nhân cận huyết thống, dùng thầy Mo cúng chữa bệnh đã thực sự được xóa bỏ. Nạn uống rượu triền miên bỏ bê công việc đã giảm hơn trước rất nhiều”, ông Hà Văn Ruệ cho biết thêm.
Theo ông Hà Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn, để bà con dần xóa bỏ các tệ nạn, hủ tục lạc hậu, tập trung phát triển kinh tế, UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể thường xuyên tổ chức công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy ước, hương ước của đồng bào dân tộc mình. Đồng thời phát huy vai trò, tiếng nói của người có uy tín, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản và đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức là người đồng bào dân tộc Mảng làm công tác tuyên truyền và làm gương trong đời sống sinh hoạt cũng như trong lao động và học tập. Huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về tổ chức các hoạt động văn hóa, các lễ hội để người dân có thể tham gia, để vừa có thể giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, vừa xóa bỏ được các hủ tục lạc hậu và các tệ nạn xấu.
Cùng với sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước và sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, đời sống vật chất, tinh thần cũng như trình độ dân trí, nhận thức của đồng bào dân tộc Mảng ở Nậm Nhùn không ngừng được nâng lên. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và các hủ tục lạc hậu cũng đã dần được thay đổi phù hợp với sự phát triển của xã hội.