Một số chuyên gia trong ngành cho biết: Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng, NHNN cần thực hiện ngay các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp; cùng với đó, kiểm soát nợ xấu phát sinh, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn trong toàn hệ thống.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng VPBank. |
Theo phân tích mới nhất của Công ty Chứng khoán MB (MBS), thời gian qua, mặt bằng lãi suất tín dụng gần đây của các ngân hàng có xu hướng thấp để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm. Cùng đó, các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND các kỳ hạn dưới 1 năm với mức giảm từ 0,3% đến 0,5%/năm; lãi suất huy động kỳ hạn dưới 3 tháng tối đa giảm chỉ còn 4,8%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 5,3%/năm, kỳ hạn tiền gửi 12 tháng giảm còn 6,9%.
Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động tương đối ổn định, thanh khoản khá dồi dào nên cũng không gây sức ép tăng lãi suất cho vay.
Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, sự hỗ trợ của các ngân hàng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) là hết sức cần thiết, quan trọng bởi chính các ngân hàng hiểu rõ nhất về sức khỏe, thực trạng tài chính của các doanh nghiệp. “Đơn cử Vietcombank đang được xem là đối tác sát cánh đồng hành với các DNVVN, đi đầu trong việc hạ lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với mức lãi suất hợp lý, thấp nhất thị trường chỉ khoảng 6%, thậm chí có thể chỉ 5% đối với các dự án tốt. Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc nói.
Không chỉ có khối NHTM Nhà nước, thị trường cũng đã ghi nhận sự vào cuộc của các NHTMCP như: LienVietPostBank, HDBank... Bên cạnh đó, các ngân hàng còn đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất nhằm tích cực cho vay trong mùa cao điểm. HDBank mở gói tín dụng ưu đãi hạn mức 18.000 tỷ đồng lãi suất ngắn hạn chỉ từ 6,5%/năm. SHB ra mắt đồng thời hai chương trình “Đồng hành phát triển cùng doanh nghiệp lớn” và “Lãi suất siêu ưu đãi dành cho khách hàng DNVVN” với tổng gói tín dụng lên tới gần 11 ngàn tỷ đồng, mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,5%/năm...
Nhận định về xu hướng lãi suất những tháng đầu năm 2017, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu rất có thể lãi suất cho vay tiếp tục giữ ở mức ổn định, bởi thời điểm này các hoạt động sản xuất kinh doanh chưa đẩy mạnh. Tuy nhiên, lãi suất huy động thời điểm đó có thể trái chiều với lãi suất cho vay.
Theo ông Hiếu, từ nay tới cuối ăm, dịp lễ Tết, ngân hàng luôn tìm cách để thu hút nguồn vốn huy động. Trong trường hợp đó thì tất yếu lãi suất huy động có thể ngược chiều lãi suất cho vay. Nhưng vị chuyên gia này cũng không loại trừ khả năng, với tình hình ổn định về thanh khoản như hiện nay, rất có thể mặt bằng lãi suất huy động sẽ ít biến động.
Tuy nhiên một yếu tố quan trọng tác động mạnh đến lãi suất là tỷ lệ lạm phát đang trở nên đáng lo ngại. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) những tháng gần đây tăng, nhất là CPI tháng 10/2016 tăng 0,83% so với tháng trước. Đây là mức tăng hàng tháng mạnh nhất trong vòng 3 năm trở lại đây khiến MBS đưa ra nhận định: Xu hướng tăng lên của lạm phát sẽ khiến xu hướng giảm lãi suất vừa hình thành khó được nhân rộng. Một chuyên gia nhận định: khi lạm phát cao, NHNN luôn giảm cung tiền bằng cách tăng lãi suất khiến tăng trưởng tín dụng chậm lại.
“Nếu lạm phát giữ được ở mức 5%, tôi không nghĩ sẽ tác động lên lãi suất, đẩy mặt bằng lãi suất đi lên. Còn đương nhiên, với trường hợp tăng hơn 5%, nhiều khả năng NHNN sẽ có những động thái thắt chặt lại chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất”, ông Hiếu nói.