Thoạt nghe, nhiều người giật mình vì lo ngại mục tiêu này sẽ không khả thi. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín, ĐH Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), nếu thực hiện đúng lộ trình đặt ra, mức 5% vào năm 2020 có thể thực hiện được.
Có thể thấy, xu hướng giảm của lãi suất cho vay gần đây đã được duy trì. Hầu hết NH giữ nguyên lãi suất cho vay trong tháng 6, chỉ Techcombank bất ngờ giảm 0,5% lãi suất cho vay cả ngắn, trung và dài hạn. do đó, việc thực hiện giảm lãi suất xuống 5% theo lộ trình sẽ khả thi.
Nếu thực hiện tốt lộ trình, mục tiêu giảm lãi suất xuồng còn 5% vào năm 2020 sẽ khả thi. Ảnh: Hải Yên |
Thứ nhất, bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay phải đi đôi với giảm lãi suất huy động. Hiện nay, mặt bằng lãi suất bình quân cho vay đang ở mức khoảng 8,5%/năm. Để giảm còn 5% vào năm 2020, đồng nghĩa mỗi năm cần giảm 1% lãi suất. Theo tính toán của TS Bùi Quang Tín, giả sử từ năm 2016 -2017, lãi suất trung bình cho vay từ 8,5% phải giảm xuống còn 7,5%. Trong khi đó, chi phí kinh doanh của ngân hàng (NH), gồm mặt bằng, khấu hao, lương nhân viên.. cần khoảng 2-2,5%, lợi nhuận kỳ vọng của NH sau khi trừ chi phí khoảng 1%/ 1 đồng vốn kinh doanh. Theo đó, lấy 7,5% lãi suất huy động trừ (-) 1% lợi nhuận NH và 2% -2,5% chi phí khấu hao NH bằng (=) 4% - 4,5% lãi suất huy động trung bình năm.
Thứ hai, để phải kiểm soát, tỷ lệ lạm phát dưới 4% khi lãi suất huy động giảm còn 4% -4,5%. Có như vậy, người dân hay doanh nghiệp (DN) khi gửi tiền vào NH không sợ bị thiệt do trượt giá của đồng tiền.
Thứ ba, phải làm sao phát triển ổn định thị trường chứng khoán (TCCK) và thị trường bảo hiểm. Mục đích của sự phát triển này nhằm giảm rủi ro trên TTCK và bảo hiểm, từ đó chia sẻ gánh nặng trung gian tài chính của ngân hàng cũng như giảm áp lực vốn lên hệ thống ngân hàng như trong thời gian vừa qua.
Thứ tư, Chính phủ nên chia sẻ vai trò cũng như đánh giá vai trò của chính sách tài khóa trong mối quan hệ với chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát tốt dòng vốn trên thị trường, từ đó tạo cơ hội để giảm lãi suất.
Cuối cùng, với chính sách phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) cũng nên xem xét lại. Bởi trong 8 tháng đầu năm 2016, Chính phủ đã phát hành đạt 90% TPCP so với tổng mục tiêu là 250 ngàn tỷ đồng (ban đầu dự kiến 220 ngàn tỷ đồng). Nếu áp dụng cho năm 2017 tương tự, sẽ tạo ra sự hút vốn trên thị trường nhằm đáp ứng cho kênh TPCP và từ đó làm khó cho quá trình giảm lãi suất nói chung.
Vì vậy, TS Bùi Quang Tín cho rằng Nhà nước nên cân đối số lượng phát hành TPCP trong năm 2017 cũng như tập trung phát triển thị trường trái phiếu theo hướng đa dạng hóa các đối tượng mua TPCP. Đặc biệt, các đối tượng là nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài mua TPCP và các DN rất mong muốn Nhà nước đa dạng kênh đầu tư để có thể tham gia mua TPCP. Vì các DN có thể mua TPCP từ thị trường sơ cấp hoặc thị trường thứ cấp thông qua SGDCK, rồi sau đó các DN có thể bán trái phiếu này trên Thị trường thứ cấp. Đây được xem là kênh sinh lời hiệu quả.