Ngày 1/10, quân đội Pháp cho biết sẽ triển khai thêm 3 máy bay tiêm kích Rafale cùng 1 tàu chiến để tăng cường cho cuộc chiến chống lực lượng thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq.Tuyên bố của quân đội Pháp cho hay "trang thiết bị Pháp theo đó sẽ được tăng lên thành 9 (máy bay tiêm kích) Rafale" tại căn cứ Al Dhafra ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, nơi máy bay Pháp mở các cuộc không kích tại Iraq. Trong khi đó, 1 tàu khu trục nhỏ cũng sẽ được triển khai tại Vịnh Persique (Persian).
Hai chiếc tiêm kích Rafale của Pháp trên bầu trời Iraq. Ảnh: Reuters
|
Trong khi đó, truyền thông Ấn Độ đưa tin quốc gia Nam Á này sẽ không tham gia bất cứ liên minh nào trong cuộc chiến chống IS tại Tây Á.
Cùng ngày, Tổng thống Pháp Francois Hollande cam kết sẽ tăng cường tấn công quân sự ở Iraq trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS), lực lượng chiếm giữ 1/3 lãnh thổ Iraq và nhiều thị trấn ở Syria.
Trong một tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Pháp, ông Hollande nói: “Pháp đang tiến hành hoạt động ở Iraq theo đề nghị của chính quyền Baghdad nhằm làm suy yếu các phong trào khủng bố vũ trang ở nước này và hỗ trợ các lực lượng Iraq khôi phục ổn định-an ninh”.
Về phần mình, Thủ tướng Anh David Cameron đã chỉ trích những đối tượng đang cân nhắc việc tới Iraq và Syria để tham chiến cùng IS, đồng thời cảnh báo rằng họ sẽ bị coi là kẻ thủ của nước Anh.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, tình trạng bạo lực ở Iraq đã khiến ít nhất 1.119 người thiệt mạng hồi tháng 9. Số liệu trên không bao gồm tỉnh miền Tây Anbar và con số thương vong của các tay súng thánh chiến.
Iraq kêu gọi các nước tôn trọng chủ quyềnNgoại trưởng Iraq Ibrahim al-Jaafari nói rằng hành động trợ giúp của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống lực lượng thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) nên tôn trọng chủ quyền của nước này.
Trả lời họp báo, ông Jaafari nêu rõ: "Chúng tôi không thể chấp nhận rằng Iraq đang trở thành một mảnh đất xung đột, song chúng ta phải giải quyết vấn đề này theo một cách có thể bảo vệ chủ quyền của Iraq". Khi được hỏi về cam kết của chỉ huy lực lượng bộ binh Iran, trong đó nói rằng sẽ bảo vệ đường biên giới Iran "vào tận sâu bên trong lãnh thổ Iraq" nếu cần thiết, Ngoại trưởng Jaafari đã hoan nghênh sự hỗ trợ của Tehran.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đã hối thúc Phương Tây tìm một giải pháp lâu dài cho các cuộc khủng hoảng ở Iraq và Syria thay vì giải pháp tạm thời là thả "hàng tấn bom" vào lực lượng IS.
TN (
Theo AFP, THX, Reuters)