'Săn tìm kho báu' cùng người Cơtu ở miền tây Quảng Nam

Được đánh thức niềm tự hào về giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình, những người Cơtu ở Nam Giang, một huyện miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam, đã chủ động tham gia mô hình du lịch cộng đồng, vừa nhằm phát triển kinh tế, vừa giới thiệu và bảo tồn “kho báu” ngàn đời của cha ông.

4 giờ sáng, Cha Hiếp Vân trở dậy. Như rất nhiều phụ nữ Cơtu khác, ngày nào của cô cũng bắt đầu bằng một cối thóc đầy. Thình thịch, nhịp nhàng trong 30 phút, Cha Hiếp Vân đã lo xong mẻ gạo cho ba bữa cơm của cả gia đình trong ngày. “Giờ là lúc lên nương, để 10 giờ còn kịp quay về làng đón khách”, Cha Hiếp Vân tự nhủ.

Trong điệu múa Tung Tung Ya Yá của đồng bào Cơtu, người nữ dâng hai tay cảm tạ trời đất, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; người nam đi sau che chở, nâng đỡ cho người nữ, cầm khiên và giáo thể hiện sức mạnh. Ảnh: Thùy Hương

Đánh thức” niềm tự hào

“Khách” mà Cha H
iếp Vân đón hôm nay là đoàn du khách của chung cả thôn. Từ 2 năm nay, mỗi tháng, thôn lại đón 3-4 đoàn du khách do Hợp tác xã Ta Bhing (chuyên làm về du lịch cộng đồng) đưa tới. Cha Hiếp Vân là thuyết minh viên của Hợp tác xã. Cô vận chiếc áo adooh arắc màu xanh lam truyền thống nổi bật những hoa văn cườm trắng, vai đính tua đỏ sặc sỡ, chân váy đươi, đầu đội mũ lật từ cánh tay áo có tua rua, đeo thêm dây bịt tóc, chuỗi vòng mã não đỏ, rồi cùng cả nhóm tươi cười đón khách từ cổng thôn. Một giỏ mây nhỏ đựng vừa chai nước suối được cô và các bạn ân cần trao tặng khách như món quà tâm lý cho một ngày trải nghiệm ngoài trời. “Nhiều du khách khi nhận giỏ mây đã hỏi xem ai đan, em lại có dịp dẫn khách tới nhà của bố Zuong Non. Bố chỉ cho khách xem gùi, nong, nia, chiếu… được đan, chuốt từ mây, tre, nứa, lồ ô và các loại dây leo khác trên rừng. Khách trầm trồ trước những nút đan tinh xảo của những sản phẩm nâu bóng màu bồ hóng và khen người Cơtu khéo tay, khiến bố và em vui lắm”- Cha Hiếp Vân tâm sự.

Mỗi khi đoàn khách du lịch tới thôn, người dân lại ra tận cổng thôn đón chào. Ảnh: Thùy Hương

Một vài năm trước, Cha Hiếp Vân và bà con trong thôn không thể tưởng tượng được rằng những sinh hoạt đời thường hàng ngày trong gia đình mình như giã gạo, làm nương, đặt bẫy, đan lát, dệt vải, nấu ăn, múa hát… lại có thể đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Từ năm 2012, dự án Du lịch dựa vào cộng đồng Cơtu do FIDR (tổ chức Cứu trợ và phát triển Quốc tế Nhật Bản triển khai từ nguồn ngân sách của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại xã Ta Bhing (huyện Nam Giang, Quảng Nam) đã sử dụng phương pháp “săn tìm kho báu” nhằm phát hiện, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể của dân tộc Cơ Tu trên địa bàn Quảng Nam. Dự án này được phát triển trên cơ sở chương trình Dự án phát triển cộng đồng huyện Nam Giang (từ năm 2001) và Dự án Hỗ trợ phát triển dệt thổ cẩm truyền thống Cơtu Nam Giang (2008), cũng do FIDR triển khai hiệu quả. Năm 2016, khi dự án Du lịch dựa vào cộng đồng Cơtu kết thúc, một dự án nữa được hình thành là dự án Hỗ trợ phát triển tiềm lực nông thôn dân tộc thiểu số của huyện Nam Giang, phát huy những thành quả của dự án trước và tập trung phát triển các sản phẩm du lịch của địa phương.


Người dân thích thú tìm tòi, học hỏi về các đặc trưng văn hoá của cha ông. Từ biết, đến hiểu, thấm thía, họ thêm tự hào về truyền thống của dân tộc mình, và ý thức hơn về việc gìn giữ bản sắc văn hoá, giới thiệu văn hoá của dân tộc.

Với những dụng cụ thô sơ, người Cơtu khéo léo tạo ra bẫy thú rừng hiệu quả, vừa bảo vệ mùa màng, vừa đem lại nguồn thực phẩm hàng ngày cho gia đình và phục vụ các dịp lễ hội. Ảnh: Thanh Hòa/JICA

Từ chỗ chưa quen đón khách lạ, giờ đây, người dân các thôn ở xã Ta Bhing đã biết làm các sản phẩm lưu niệm, hái lượm sản vật địa phương, rồi gom lại một địa điểm, để tiêu thụ chung. Khách du lịch đến Ta Bhing không tiêu tiền trực tiếp tại mỗi nhà dân, mà được sử dụng các “phiếu mua hàng”, và đổi lấy hàng hoá tại các điểm bán tập trung đó. Lợi nhuận từ bán hàng sẽ được phân chia lại cho người sản xuất để đảm bảo công bằng giữa các thôn, các nhóm. Dù thu nhập chưa nhiều, nhưng đời sống của các hộ dân có nhích lên. Là địa bàn khó khăn, tỷ lệ  hộ nghèo cao, việc có thêm thu nhập giúp người dân cải thiện được mức sống của mình. Điều trông thấy là môi trường trong các thôn ngày càng sạch đẹp hơn, người dân không còn xả rác, mà biết giữ môi trường sạch đẹp, còn trồng hoa ven lối đi.


“Quý nhất là văn hoá truyền thống đã được khôi phục, truyền tải tới các thế hệ kế tiếp. Người trẻ học hỏi người già về văn hoá, về cách làm đàn, cách chơi các loại nhạc cụ,… để tham gia làm du lịch. Các trường mẫu giáo, tiểu học thì dạy điệu múa truyền thống Tung tung Ya Yá, đánh cồng chiêng, các món ăn truyền thống cho các em nhỏ.Làng nào cũng có nhà truyền thống. Các lễ hội dân gian được khôi phục. Nhiều nét văn hoá tưởng mai một đã sống lại”, ông Nguyễn Văn Phi, Phó Trưởng phòng Văn hoá huyện Nam Giang cho biết.


Vừa hướng dẫn khách tự tay giã những mẻ gạo chuẩn bị cho bữa cơm, Cha Hiếp Vân vừa cùng chị em nhóm Đời sống Cơtu giới thiệu về cây chày giã gạo có hai đầu khác nhau, một đầu có rãnh nhỏ để giã cho thóc trày vỏ trấu, đầu kia lõm vào để giã cho gạo sạch cám mà không vãi ra ngoài cối. Rồi cô kể cho du khách về chế độ mẫu hệ của phụ nữ Cơtu, những việc mà phụ nữ Cơtu gánh vác hàng ngày… Cũng tại nhóm Đời sống Cơtu, du khách được chứng kiến và thử tham gia đặt bẫy thú cùng bố Cha Hiếp Abrông, trải nghiệm cảm giác thu lượm những sản vật núi rừng. “Du khách hào hứng, còn em cũng rất vui vì những nét riêng có của dân tộc mình đã ngày càng được nhiều người, cả trong nước và nước ngoài biết đến”, Cha Hiếp Vân tâm sự.

Đan lát là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời nhất của người Cơtu, Người đàn ông Cơtu nào cũng đều thành thạo công việc này. Ảnh: Thùy Hương

Cộng đồng làm du lịch


Hợp tác xã Ta Bhing của Cha H
iếp Vân thu hút sự tham gia của cả 7/7 thôn của xã, mỗi thôn có 1-2 nhóm hoạt động trong các loại hình: thuyết minh viên, đời sống, ẩm thực, dệt thổ cẩm, văn nghệ truyền thống… Tại mỗi nhóm lại có trưởng nhóm và các hướng dẫn viên riêng. Ví dụ khi Cha Hiếp Vân cùng du khách tới thăm Nhóm ẩm thực truyền thống Cơtu, trong căn nhà Gươl – nơi sinh hoạt văn hoá tập trung của buôn làng người Cơtu, Trưởng nhóm ẩm thực và các hướng dẫn viên ngồi cùng từng mâm với du khách, giới thiệu về các món ăn truyền thống của người Cơtu, với nguyên liệu chính từ núi rừng và công cụ nấu chủ yếu là ống tre, than hoa.


Thịt trâu cuốn lá lốt nướng xiên tre; heo rừng tẩm ớt, tiêu nướng trên than hồng; lá môn rừng xào; súp sắn; bánh sừng trâu; ếch nướng lồ ô ướp lá thiên niên kiện… là những món hấp dẫn du khách. Món Zờ Rá – canh thụt, được nhiều khách tò mò, là tổng hợp của các loại rau, lá rừng, thịt tươi sống nhồi trong ống lồ ô, và dùng đoạn móc gai của cây mây rừng thụt nhuyễn trong lúc nấu. Những trái tà vạc già chặt xuống từ cây, lấy nước ướp cùng rễ cây chuồn cho lên men tạo nên loại rượu ngất ngây hương núi rừng cũng là những điểm nhấn khó quên với khách du lịch đến Ta Bhing.

Mâm cơm đón khách của người Cowtu không thể thiếu món thịt lợn tẩm tiêu rừng nướng, canh thụt (Zờ Rá), cơm lam, bánh sừng trâu... Ảnh: Thùy Hương.

Tương tự, tại điểm tham quan của Hợp tác xã dệt thổ cẩm thôn Zơ Ra, Giám đốc Hợp tác xã và các xã viên tận tình giới thiệu với du khách 12 công đoạn dệt thổ cẩm của người Cơtu, lịch sử nghề dệt thổ cẩm, đặc trưng hoa văn dệt theo hình học, luồn cườm và hạt chì trực tiếp vào chỉ, mô phỏng chày giã gạo, giàn củi, lá athia lợp nhà, con dế, viên mã não trang sức. Tại nhóm âm nhạc truyền thống Cơtu của thôn Pà Xua, du khách được trưởng nhóm giới thiệu về ý nghĩa các động tác trong điệu múa Tung tung Ya Yá, múa Đinh Tút… trong các lễ hội của người Cơtu. Vừa tham quan, tìm hiểu, du khách vừa được trực tiếp trải nghiệm dệt vải, múa hát cùng đồng bào, hoà mình vào đời sống của dân tộc Cơtu.

 

“Điều đáng quý nhất là từ khi phát triển du lịch, các thôn, làng gắn kết hơn, trao đổi nhiều hơn”, anh Briu Thương, Giám đốc Hợp tác xã Ta Bhing tâm sự. Việc chia thành các nhóm nhỏ trong từng thôn để phát triển du lịch cộng đồng vừa góp phần “chuyên nghiệp hoá” hoạt động du lịch, đảm bảo trải nghiệm đầy đủ các hoạt động cùng những “người thật việc thật”, lại vừa bảo đảm sự vận hành của mô hình. Luân phiên đón khách trong các thôn, các nhóm để đảm bảo các thôn, nhóm đều có thu nhập từ du lịch, nhưng không ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt, sản xuất.

Du khách hào hứng trải nghiệm dệt thổ cẩm kết cườm - kỹ thuật dệt đặc trưng thể hiện sự khéo léo của người Cơtu. Ảnh: Thùy Hương

Hiện nay, tour du lịch tới Ta Bhing được xây dựng trong ngày, là một điểm đến trong chuỗi du lịch Quảng Nam: du lịch văn hoá di sản, du lịch biển, du lịch sinh thái, cộng đồng. Trước mắt, việc phát triển tour trong ngày, không lưu trú sẽ giảm bớt chi phí xây dựng nơi nghỉ cho du khách và không làm xáo trộn mô hình thôn làng của đồng bào Cơtu.


“Mỗi tháng Hợp tác xã chỉ nhận đón 3 - 4 đoàn du khách, không phát triển ồ ạt, vừa nhằm đảm bảo chất lượng tour, vừa để đồng bào vẫn giữ được tập tục đi làm nương dài ngày và sinh hoạt như bình thường. Như vậy mới đúng là du lịch cộng đồng, không đảo lộn cuộc sống, mô hình sản xuất kinh tế truyền thống vốn góp phần làm nên bản sắc của người Cơtu”, ông Briu Thương chia sẻ.


Và đó cũng là cách người Cơtu giữ gìn “kho báu” của dân tộc mình cho con cháu đời sau.

 Bà Trần Thị Thu Oanh, Cán bộ Quản lý dự án của Tổ chức Cứu trợ và Phát triển Quốc tế Nhật Bản: MỘT MÔ HÌNH DU LỊCH HIỆU QUẢ

"Từ năm 2012 đến nay, trung bình mỗi năm có 700-800 khách du lịch đến với xã Ta Bhing, Nam Giang. Đặc biệt, năm 2017 có khoảng 1.000 du khách, trong khoảng 50 đoàn, chủ yếu là khách quốc tế như Nhật Bản, Pháp. Doanh thu riêng mảng phí tour năm 2017 của Hợp tác xã Ta Bhing đạt 560 triệu đồng, 70% số này được trích lại cho các nhóm tự phân chia. Riêng việc bán các mặt hàng đặc sản địa phương cho du khách năm 2017 đạt hơn 540 triệu đồng.


Điều đáng mừng là bên cạnh việc cải thiện kinh tế, bộ mặt nông thôn tại Ta Bhing đã khởi sắc mà vẫn giữ gìn được những nét văn hóa đặc trưng hiếm có của cộng đồng Cơtu. Bà con cộng đồng trách nhiệm trong việc phát triển kinh tế, giữ gìn sự đoàn kết và bản sắc văn hóa của dân tộc mình”

 

Thuỳ Hương/báo Tin tức
Giúp đồng bào làm du lịch cộng đồng
Giúp đồng bào làm du lịch cộng đồng

Xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu là một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào vùng Tây Bắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN