Áp lực tăng nguồn thu nội địa
Trả lời phóng viên báo Tin Tức, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, 9 tháng năm nay, tổng thu NSNN đạt 3 nghìn tỷ đồng, bằng 75% dự toán, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt lũy kế thu 9 tháng của nguồn thu nội địa đạt 504,3 nghìn tỷ đồng, bằng 79% dự toán, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều khoản thu nội địa có tiến độ đạt khá, có khoản đã hoàn thành dự toán năm như: Thuế bảo vệ môi trường, các khoản thu về nhà và đất, lệ phí trước bạ.
Nhân viên Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái (Cục Hải quan Quảng Ninh) giám sát hàng hóa xuất khẩu tại cửa khẩu Ka Long. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN |
“Kết quả thu ngân sách 9 tháng qua là tích cực trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế khiến tỷ trọng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) bị ảnh hưởng; giá dầu thô thấp khiến nguồn thu 9 tháng năm nay giảm tới 34,8% so với cùng kỳ năm ngoái”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đánh giá.
Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu thu NSNN cả năm, theo Bộ Tài chính, việc thu hồi nợ thuế cần tiếp tục đẩy mạnh. Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, đến thời điểm hiện nay, cơ quan thuế mới thu hồi được 2.200 tỷ đồng tại 600 doanh nghiệp nợ thuế lớn đã công khai vào thời điểm đầu tháng 7/2015. “Kết quả này so với 11.200 tỷ đồng tiền nợ thuế của số doanh nghiệp trên là chưa đạt như mong muốn, mới chiếm khoảng 19,6% so với tổng số tiền nợ thuế. Do đó, từ nay đến cuối năm, cơ quan thuế phải tăng cường các biện pháp quản lý và đôn đốc nợ thuế”, ông Trí nói.
Tổng cục Thuế đang yêu cầu các đơn vị địa phương đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh quyết liệt áp dụng các biện pháp thu nợ theo đúng quy trình quản lý để thu hồi những khoản nợ còn lại. Theo đó, các cơ quan thuế ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp: Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại ngân hàng thương mại; yêu cầu phong tỏa tài khoản hoặc biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách.
Đề cập tới kết quả thanh tra những doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí cho hay, từ đầu năm đến nay, cơ quan thuế đã thanh kiểm tra 1.600 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, giao dịch liên kết và đã truy thu, truy hoàn, xử phạt được 418,9 tỷ đồng. “Trong đó, cơ quan thuế đã phát hiện Metro Cash & Carry Việt Nam kê khai thiếu các khoản thu về hỗ trợ, tiếp thị, quảng cáo; thậm chí hạch toán vào chi phí một số khoản chi không đúng quy định. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế đã truy thu thuế của công ty này là 507 tỷ đồng (bao gồm tiền phạt thuế). Chúng tôi đang tập trung thu thập thông tin, rà soát kê khai, phân tích tại Cash & Carry Việt Nam, Coca Cola và một số doanh nghiệp để xem xét có hay không hành vi chuyển giá”, ông Trí nói.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, 5 năm qua, nguồn thu nội địa đã tăng dần và thời gian tới, nguồn thu này cần tiếp tục được củng cố để bảo đảm tạo nguồn thu vững chắc cho NSNN.
Lo ngại nguồn thu XNK giảm và nợ công tăng
Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, năm 2016, cân đối ngân sách sẽ gặp nhiều thách thức do nguồn thu từ XNK sẽ giảm xuống khi Việt Nam thực hiện các cam kết cắt giảm thuế theo các Hiệp định thương mại đã ký kết và mức độ phục hồi của giá dầu thô sẽ không lớn. Bên cạnh đó, vấn đề quản lý nợ công sẽ tiếp tục là một thách thức trong năm tới, nhất là trong bối cảnh phát hành trái phiếu Chính phủ đang gặp khó khăn.
Theo dự báo mới nhất của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, năm 2016, cân đối NSNN sẽ cải thiện hơn do sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi, giá dầu có thể nhích hơn, nhưng mức cải thiện không lớn. |
Theo tính toán của Bộ Tài chính, với nhiều hiệp định thương mại tự do về thuế quan với các nước trong khu vực và nhiều nước trên thế giới đã được ký kết, mức độ hụt thu trung bình hằng năm (từ năm 2016 - 2025) sẽ khoảng 1.700 tỷ đồng/năm, tương đương 77 triệu USD. Ngoài ra, dự báo tác động giảm thu gián tiếp do chuyển hướng của hoạt động thương mại, tức là các nhà nhập khẩu thay thế hàng hóa nhập từ các nước ngoài FTA chuyển sang nhập từ các nước thành viên để được hưởng ưu đãi về thuế sẽ khiến nguồn thu thuế nhập khẩu giảm. Theo tính toán, giai đoạn 2016 - 2025 mỗi năm hụt thu khoảng 11.100 tỷ đồng từ tác động này.
Trước tình hình này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đã đề nghị Chính phủ cần đánh giá một cách tổng thể chính sách thuế, khả năng bù đắp số hụt thu do sửa đổi Luật Thuế XNK từ các phương án khả thi khác. Nếu được thông qua, Luật Thuế XNK sửa đổi (áp dụng từ 1/7/2016) sẽ tăng thu 1.200 tỷ đồng, bao gồm những hàng hóa không còn miễn thuế hay áp dụng mức thuế cao hơn. Ngược lại, số hụt thu khoảng 800 tỷ đồng xuất phát từ các quy định mới như: Miễn thuế cho hàng hóa tạm nhập, miễn thuế tạo tài sản cố định đối với dự án có quy mô vốn lớn, trên 6.000 tỷ đồng; miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa có điều kiện sản xuất được, buộc phải nhập khẩu để đầu tư, sản xuất…
Bên cạnh đó, mặc dù một số tổ chức tài chính, ngân hàng quốc tế đang dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay có thể đạt cao hơn so với mục tiêu 6,5% GDP song cân đối ngân sách vẫn là vấn đề quan ngại, và chi trả lãi vay nợ công đang lấn át các khoản chi tiêu khác.
Đơn cử, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa đưa ra dự báo mới về nợ công Việt Nam đến cuối năm 2015 sẽ tăng lên khoảng 62% GDP. Trong khi đó nợ nước ngoài, chủ yếu là các khoản vay ưu đãi dài hạn, vẫn giữ ở mức 28% GDP trong ba năm qua. Theo ADB, nợ công và áp lực trả nợ sẽ buộc Chính phủ Việt Nam phải kiềm tốc độ tăng chi tiêu để giảm bội chi ngân sách, bắt đầu từ năm 2016.
Chính phủ cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Ngoài ra Chính phủ cần phải có một chiến lược cụ thể đối với việc vay nợ và trả nợ. Nguồn vay hình thành nợ công đang có thời hạn quá ngắn, áp lực trả nợ là rất sớm và rất lớn. Theo TS Lê Đăng Doanh |