Chợ Cán Cấu còn được biết đến với cái tên dân dã là chợ gia súc, bởi ở đây ngoài việc bán các mặt hàng sinh hoạt hàng ngày còn có một khu vực rộng để bán trâu, bò, bê, ngựa...; trong đó, khu chợ trâu chiếm tới 50% diện tích. Chợ họp dọc theo sườn núi, rộng khoảng 1ha, nằm ngay chân dốc Cán Chư Sử, thuộc xã Cán Cấu. Chợ Cán Cấu được phân thành ba khu vực: Khu để bán các sản vật địa phương gồm thổ cẩm, chỉ thêu, thảo dược, gia vị, rau củ, quả...; Khu thứ hai là hàng ăn cùng các vật dụng tạp hóa nhập từ bên ngoài, như đèn pin, dây thừng, lưỡi cuốc, dao rựa, bàn chải đánh răng... và khu thứ ba là chợ trâu.
Đồng bào xuống chợ phiên để mua nông cụ sản xuất.Ảnh: Mộc Thanh |
Ông Viên Đình Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai cho biết: Mỗi phiên chợ ở đây có hàng ngàn con gia súc được mua bán, trao đổi. Riêng trâu có tới hàng trăm con. Trâu đực loại to được rao bán với giá 40 - 50 triệu đồng/con, còn nghé giá 10 - 15 triệu đồng/con. Con trâu là đầu cơ nghiệp, trước đây mỗi khi gia đình có công to việc lớn như làm nhà, dựng vợ gả chồng cho con cháu thì đồng bào mới đem trâu ra chợ bán. Vài năm trở lại đây, được sự hỗ trợ của Nhà nước và các dự án chăn nuôi phát triển, đàn gia súc tăng mạnh, nên con trâu được coi như một mặt hàng bình thường để trao đổi lấy những thứ vật dụng cần thiết trong gia đình.
Hộ anh Giàng A Pao cách đây 5 năm thuộc diện hộ nghèo. Được Ngân hàng chính sách xã hội cho vay tiền phát triển sản xuất, anh sử dụng vào nuôi trâu sinh sản. Chỉ sau hơn 4 năm tập trung chăm sóc, đến nay anh đã có 2 trâu và một nghé. Năm ngoái anh Pao bán một con trâu đực hơn 3 tuổi, thu về 30 triệu đồng, thừa tiền trả gốc và lãi cho ngân hàng.
Ở vùng cao, chợ không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, mà còn mang nhiều ý nghĩa, là nét đẹp văn hóa đặc trưng của từng vùng. Tại những chợ phiên, người đi chợ rất đông nhưng không ồn ào, chỉ có những âm thanh rì rầm của những người đi chợ ngã giá hàng, thăm hỏi sức khỏe và hẹn mời nhau uống rượu.
Anh Giàng Seo Ghé dắt trâu xuống chợ bán lấy tiền mua cái máy nghiền ngô và một số vật dụng cần thiết trong gia đình. Chuyện quan trọng là vậy, nhưng vợ chồng anh vẫn dắt thêm cái sáo Mông bên người để sau khi uống rượu say sẽ múa hát cùng chúng bạn làng bên. Anh Ghé bảo, đến hẹn lại lên, phiên chợ nào cũng phải giao lưu với các bạn, vừa để trao đổi kinh nghiệm làm ăn, vừa thăm hỏi nhau sức khỏe. Cứ múa khèn dẻo, uống 2 bát rượu không biết say là biết nhau còn khỏe, thế là mừng rồi.
"Phiên chợ trước, bạn tôi bán con lợn cắp nách được hơn một triệu đồng, vợ chồng nó lấy số tiền lẻ để mời bạn bè uống rượu. Phiên chợ này mình bán hẳn con trâu, số tiền lẻ bớt ra cũng đủ chúc mấy thằng bạn ăn uống và múa hát nhiều bài dân ca Mông rồi mới về", anh Ghé nói.
Khèn là nhạc cụ của người Mông, không khó để bắt gặp âm thanh đặc trưng này ở Cán Cấu hay ở bất cứ phiên chợ vùng cao nào. Những lúc mọi người đã choáng men nồng lại được nghe điệu khèn nổi lên một cách nhẹ nhàng và đều đặn, càng làm đậm đà hơn không gian ở miền vùng cao.
Không khí vui vẻ thân mật ở chợ vùng cao thu hút du khách từ dưới xuôi lên và thậm chí cả du khách nước ngoài vào cuộc. Những ấn tượng đậm nét về các phiên chợ vùng cao còn nhiều nét văn hóa đặc trưng, khiến ai đến một lần còn muốn đến lại, bởi chợ phiên vùng cao có sức hút kỳ lạ.