Ngày 1/7, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã kêu gọi người dân Hy Lạp nói "Không" trong cuộc trưng cầu ý dân về kế hoạch cải cách và "thắt lưng buộc bụng" ở nước này dự kiến vào ngày 5/7 tới.Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã kêu gọi người dân Hy Lạp nói “Không” với các kế hoạch khắc khổ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, phát biểu trong chương trình được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc, người đứng đầu Chính phủ Hy Lạp kêu gọi người dân nước này nói "Không" với các kế hoạch khắc khổ. Ông cho biết nói "Không" trong cuộc trưng cầu ý dân cũng chính là nói "Không" với sức ép của các chủ nợ quốc tế.
Còn việc bỏ phiếu chống trong cuộc trưng cầu không có nghĩa muốn Hy Lạp rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Thủ tướng Hy Lạp cũng một lần nữa chỉ trích"bộ ba" chủ nợ quốc tế gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã gây ra tình trạng hiện nay ở nước này.
Ông nói: "Họ đã khiến các ngân hàng đóng cửa do Chính phủ Hy Lạp muốn trao quyền phán quyết cho người dân của mình". Ông cũng phản đối những cáo buộc cho rằng cá nhân ông và Bộ Tài chính Hy Lạp muốn đưa Athens ra khỏi Eurozone.
Kết quả thăm dò ngày 1/7 trước thềm cuộc trưng cầu ý dân ở Hy Lạp cho thấy khoảng 46% cử tri nước này nói "Không", 37% nói "Có" và 17% chưa đưa ra quyết định về kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" đổi cứu trợ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis cùng ngày tuyên bố Athens sẵn sàng áp dụng những biện pháp kinh tế khắc khổ do các chủ nợ quốc tế đề xuất nếu điều này có thể giúp giải quyết vấn đề nợ và xuất hiện triển vọng phát triển kinh tế.
Theo ông, vào ngày 6/7 tới, một ngày sau cuộc trưng cầu ý dân của Hy Lạp, các chủ nợ sẽ nhận được tín hiệu của người dân nước này và sẽ tìm ra giải pháp cho vấn đề nợ của Athens.
Sau cuộc họp khẩn chiều 1/7, ECB quyết định sẽ tiếp tục cung cấp Hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp với điều kiện các cuộc kiểm tra thanh khoản ở Hy Lạp sẽ được tiến hành thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, ECB sẽ không nâng trần quỹ Hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng đang gặp khó khăn của Hy Lạp.
Theo nguồn tin ngân hàng Hy Lạp, ECB "sẵn sàng can thiệp nếu cần thiết", và "không có quyết định nào khác" được đưa ra tại cuộc họp của ngân hàng này.
Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone (Eurogroup) cùng ngày cũng tuyên bố sẽ chỉ tiếp tục nhóm họp về vấn đề nợ của Athens sau cuộc trưng cầu ý dân ở Hy Lạp vào cuối tuần này. Bộ trưởng Tài chính Bỉ Johan Van Overtveldt cho biết các cuộc đàm phán sẽ trở nên vô nghĩa vì Chính phủ Hy Lạp khẳng định không có ủy quyền mà phải chờ ý kiến của người dân.
Đồng tình với quyết định trên của Eurogroup, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh Berlin sẽ chờ đợi kết quả cuộc trưng cầu ý dân sắp tới của Hy Lạp trước khi nối lại đàm phán về một chương trình cứu trợ mới.
Bà cũng khẳng định sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Athens để xử lý khủng hoảng nợ, đồng thời tuyên bố tương lai của châu Âu sẽ không bị ảnh hưởng bởi những gì đang xảy ra với Hy Lạp.
Cuộc đàm phán nợ của Hy Lạp đang rơi vào bế tắc sau khi nước này tuyên bố không thể trả khoản nợ 1,5 tỷ euro cho IMF vào hạn chót là ngày 30/6 và tiến hành trưng cầu ý dân về các kế hoạch khắc khổ để đổi lấy cứu trợ.