Đại diện NHNN cho biết: Hiện có 8 ngân hàng thương mại đăng ký số vốn hơn 100.000 tỷ đồng, dành cho các đối tượng đầu tư công nghệ cao trong nông nghiệp nông thôn theo Quyết định 813 của NHNN về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ.
Trang trại trồng nấm của anh Hòa tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại địa phương. Ảnh minh họa: Quang Thái/TTXVN |
Tổng dư nợ cho vay ứng dụng công nghệ cao đạt 26.000 tỷ đồng, với 4.021 khách hàng, trong đó 3.957 khách hàng cá nhân, 64 doanh nghiệp. Cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 21.700 tỷ, chiếm 84% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay nông nghiệp sạch đạt 4.300 tỷ đồng, hiện chưa phát sinh nợ xấu.
“Quyết định 813 của NHNN ban hành vừa qua cũng trên cơ sở thống nhất với Bộ NN&PTNT những điều kiện quy định, để tránh việc lợi dụng vì cho vay theo gói này thấp hơn thông thường từ 1 đến 1,5%/năm”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nói.
Theo NHNN, một trong những yếu tố các ngân hàng khi cho vay đều phải tính đến hiệu quả, tức là người vay có trả nợ được không. Ví dụ, lợn vừa rồi tiêu thụ không được, lập tức nợ xấu xuất hiện. Nợ xấu này do tính chất khách quan của nền kinh tế đưa lại chứ không phải do ngành ngân hàng tạo ra.
“Nếu như sản xuất, đầu tư không phù hợp cầu thị trường, nhu cầu của nền kinh tế, thì không tiêu thụ được sản phẩm. Muốn thế phải tránh làm theo phong trào. Muốn đạt được điều đó, ở góc độ tổng thể của nền kinh tế, chúng tôi cũng phân tích đến ngưỡng nào thì nó là điểm hài hoà giữa cung và cầu của nền kinh tế; tránh sau này đầu tư nhiều quá khiến cung vượt quá cầu, không tiêu thụ được hoặc suất đầu tư cao quá thì việc trả nợ sẽ khó khăn, khi đó dẫn đến nợ xấu, nợ khó đòi”, lãnh đạo NHNN chia sẻ.