Bà Hứa Thị Ái (ảnh), ở thành phố Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) là người cần cù, chịu khó, ham học hỏi và luôn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và trồng trọt hiệu quả.Khu chuồng trại khép kín của bà Ái có diện tích trên 200 m2, luôn sạch sẽ, thông thoáng và bố trí một cách khoa học, chia làm nhiều khu chăn nuôi, phù hợp với từng lứa của đàn lợn như: Chuồng chăn nuôi lợn nái sinh sản; chuồng lợn thịt thương phẩm; chuồng lợn con. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bà Ái cũng đã đầu tư lắp đặt hệ thống hầm biogas, phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong gia đình.
Bà Ái tâm sự: “Làm nghề chăn nuôi lợn, khâu quan trọng nhất là phải lựa chọn con giống tốt, nguồn thức ăn đảm bảo và chăm sóc sao cho hợp lý theo đúng chu kỳ phát triển của lợn. Chuồng trại cũng cần phải luôn giữ sạnh sẽ, thoáng mát, thường xuyên khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi, tiêm phòng bệnh... thì đàn lợn mới sinh trưởng, phát triển tốt”.
Ngoài việc phát triển chăn nuôi, bà Ái còn trồng 3.500 m2 ngô, thu hoạch 4,5 tấn/vụ. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ngô sau khi thu hoạch được bà Ái dùng để nấu rượu; bã rượu được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi lợn. Hiện nay, chuồng trại của gia đình từng bước mở rộng và duy trì nuôi trên 30 con lợn. Trừ chi phí, gia đình bà Ái thu nhập gần 200 triệu đồng/năm và trở thành gương điển hình trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi cấp cơ sở.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, bà Ái còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động; sẵn sàng giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt với các hội viên nông dân và bà con lối xóm.
Bài và ảnh: Chu Hằng