Ông Trần Văn Thành, chủ nhân của 5 chiếc xe loại 16 chỗ ngồi cho thuê tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre cho biết “... không biết có tự bao giờ nhưng khi tôi lớn lên và kinh doanh dịch vụ cho thuê xe đến nay đã 40 năm thì đã biết đến tục lệ này”.
Theo ông Thành, hầu hết người có xe cho thuê hay kinh doanh ngành nghề vận tải hành khách đều như anh bởi họ cho rằng: Cúng xe như vậy chủ yếu là cúng cô hồn cát đản đừng bám theo xe gây tai nạn, rủi ro hoặc cản trở chuyện làm ăn của chủ nhân (?). Một số người khác thì lại cho rằng: Cúng xe là để những thần linh về chứng giám, hộ trì cho họ ăn nên làm ra, tránh tai họa bất ngờ, gặp nhiều may mắn.
Lễ vật cúng xe không có qui định nào bắt buộc. Có người làm ăn qui mô lớn thì cúng gà xé, heo quay, bánh mì, bánh hỏi, xôi gà… cùng đầy đủ hương hoa kèm với trái cây; có người cúng thịt heo, tôm, hột vịt luộc; cũng có người chỉ cúng trái cây. Có một số chủ xe lại cúng mâm chay bao gồm: cháo, đường, bánh ngọt. Nhưng dù cúng cách nào thì cũng kèm theo: Muối, trà, nước lã, rượu trắng, tiền “âm phủ”. Một số hộ ở nông thôn thì khi cúng kèm theo bình bông Trang đỏ, còn ở thành thị thì cúng bằng nhiều loại bông khác nhau như: Vạn thọ, cúc, huệ trắng...
Ngày mùng 2, 16 âm lịch thì vậy. Còn ngày thường, các xe vận tải thường thắp hương, cúng hoa quả trên bàn thờ bên trong xe. Bàn thờ này thường rất nhỏ đặt sau kính trước xe. Trên bàn thờ có bình hoa, ống cắm hương có kèm tượng Phật bà Quan Âm, Thần tài... Đồ cúng ngày thường là hoa và một đĩa hoa quả. Ngày nay, do phải cẩn trọng không để xảy ra hỏa hoạn trên xe nên nhiều chủ xe không còn duy trì việc thắp nhang trên xe như trước.
Ông Trương Anh Linh, 58 tuổi ngụ TP Cần Thơ, người đã có trên 30 năm làm tài xế xe tải tuyến đường Cần Thơ - Đà Nẵng cho biết “... Trước khi cúng, tài xế phải rửa xe sạch sẽ, đồ cúng được sắp gọn gàng trong mâm, khấn nguyện thành tâm thì mới linh ứng bởi có rất nhiều “người” khuất mặt đang tồn tại xung quanh để phù hộ xe đi đến nơi về đến chốn, thượng lộ bình an, Khi cúng phải mở đèn xe suốt thời gian cúng. Cúng xong phải bóp kèn xe 3 lần rồi mới dọn mâm cúng xuống.…”.
Hiện nay có nhiều tài xế hay chủ xe cao tuổi vẫn thuộc lòng nhiều bài khấn cổ xưa rất hay và có vần, có điệu nhưng tiếc rằng bài khấn này ngày càng mai một, thất truyền.
Ngoài việc cúng xe trong giới kinh doanh vận tải, nhiều cư dân Nam Bộ còn có tục lệ cúng “xe mới” mua như một cử chỉ ra mắt với những đấng siêu nhiên về tài sản mà gia đình mới mua sắm được. Không chỉ cúng với các loại xe ô tô mà ngay cả với những chiếc xe 2 bánh đắt tiền, chủ nhân cũng tổ chức “cúng xe”. Lễ vật cúng thường là: 1 bình hoa tươi, 1 dĩa trái cây, 1 dĩa thịt heo quay hay gà luộc, heo luộc, 1 xấp tiền vàng mã, 3 chung rượu, 3 chung trà, 1 dĩa muối trắng.
Dù cúng xe hàng tháng hay cúng mừng xe mới, tất cả đều có điểm chung là khấn nguyện những điều tốt đẹp nhất, may mắn nhất đến với phương tiện của mình, tỏ lòng tri ân những vong linh ẩn mặt đã và đang giúp đỡ họ thành công trong cuộc sống nói chung, chuyện làm ăn nói riêng.
Tục lệ dù chỉ mang tính tâm linh nhưng đã được lưu giữ từ hàng trăm năm qua, và nếu làm đúng quy định sẽ tạo ra tâm lý tốt cho các bác tài hoạt động trên đường và là một nét đẹp của văn hóa dân gian Nam Bộ.