Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, quý I/2021, tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố phát triển khá đồng đều và ổn định; sau đó thì chững lại và đến cuối năm 2021, kinh tế xã hội đã tụt giảm nghiêm trọng. Theo dự toán, năm nay Thành phố có thể hoàn thành 13/29 chỉ tiêu, không hoàn thành 14/29 chỉ tiêu và còn 2 chỉ tiêu đến cuối năm mới đủ cơ sở tính toán.
Dù vậy, bên cạnh khó khăn, vẫn có một số điểm sáng, đó là kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô) tăng 2,8%; kim ngạch nhập khẩu tăng 24,9% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, tổng thu ngân sách Nhà nước nếu ước tính chính xác thì đến cuối năm nay có thể phấn đấu đạt 100% chỉ tiêu.
Trên cơ sở đó, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến về 7 nhóm giải pháp với 21 nhiệm vụ cụ thể trong năm 2022 được Ban Thường vụ Thành ủy đề xuất; đồng thời thảo luận, đề xuất biện pháp để hỗ trợ nguồn lực cho các ngành kinh tế, tạo động lực tăng trưởng đầu tư, tiêu dùng, xuất nhập khẩu lấy đà tăng trở lại. “Hội nghị phân tích, đánh giá sâu sắc tình hình, những kinh nghiệm, mang tính thực tiễn và khoa học để có thể vận dụng vào quá trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, với trụ cột là chiến lược y tế, cả trước mắt và lâu dài”, đồng chí Nguyễn Văn Nên lưu ý.
Liên quan vấn đề về thông tin đội ngũ y tế cơ sở có dấu hiệu mệt mỏi, một số người xin nghỉ việc, một số chịu áp lực rất lớn, đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị đại biểu thảo luận về biện pháp cấp bách để củng cố y tế cơ sở, y tế cộng đồng, tổ y tế lưu động như thành phố đã làm thời gian qua. Đồng thời, Hội nghị tìm những giải pháp, chính sách hỗ trợ vật chất, tinh thần mà Sở Y tế đã trình; trong đó phải bàn cụ thể, một cách thiết thực và cấp bách.
Lưu ý Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2022- 2025 là một chương trình đầy quyết tâm trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận đánh giá sâu sát, toàn diện tình hình kinh tế - xã hội của thành phố trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn còn nhiều rủi ro, phức tạp và nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới. Cho ý kiến vào các giải pháp nhằm huy động nguồn lực và cơ chế phân cấp, phân quyền để bảo đảm thực hiện thành công Chương trình.
Đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết, Thành phố đã thống nhất không thay đổi, điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản của Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI. Tuy nhiên, trong bối cảnh “bình thường mới” thì chắc chắn cần có tư duy mới, giải pháp mới, cơ chế mới và kế hoạch phù hợp, cần phải điều chỉnh.
Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, việc tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, quy hoạch thường có một nhược điểm là chủ trương, nghị quyết, chương trình hành động không thiếu, song tổ chức thực hiện luôn là khâu yếu. Do đó, Hội nghị tìm phương cách, cơ chế tổ chức, điều phối để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả và đảm bảo các nhiệm vụ, giải pháp đề ra đều đi vào thực tiễn và giữa các chương trình, kế hoạch, quy hoạch phải được liên thông, liên kết chặt chẽ, không tách rời nhau. “Có cần thiết thành lập các nhóm phụ trách, phân công trách nhiệm cụ thể rõ ràng, xác định mốc thời gian thực theo từng năm để tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện hay không?”, đồng chí Nguyễn Văn Nên đặt vấn đề.
Diễn ra trong hai ngày 1 - 2/12, Hội nghị sẽ tập trung vào các nội dung: Tình hình kinh tế - xã hội thành phố năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2022 - 2025; Nhiệm vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo kết quả công tác xây dựng Đảng, chính quyền, công tác dân vận năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022 và một số nội dung khác.