TP Hồ Chí Minh: Chỉ số Giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,4%

Ngày 2/8, Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh cho biết nhìn chung giá hàng hoá vẫn ở xu hướng tăng nhưng tốc độ đã chậm lại và Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của thành phố chỉ tăng 0,4%.

Chú thích ảnh
Ngày 2/8, Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh cho biết: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của thành phố tăng 0,4%. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Theo đó, có 9/11 nhóm tăng so với tháng trước và tăng cao nhất là nhóm bưu chính viễn thông tăng 1,83%. Tiếp theo là nhóm văn hóa giải trí du lịch tăng 1,74%. Có 2/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm là thiết bị đồ dùng gia đình giảm 0,09% và nhóm giao thông giảm 2,83%;

Phân tích diễn biến chỉ số giá một số nhóm ngành hàng tháng 7 so với tháng trước, Cục Thống kê thành phố chỉ rõ: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số tăng 1,13%.
 
Trong đó, nhóm lương thực tăng 0,12% với giá gạo tăng 0,17%. Nhóm thực phẩm tăng 1,17%; trong đó thịt gia súc tăng 1,78%, trứng các loại tăng 1,59%, thịt gia cầm tăng 1,58%, giá dầu thực vật tăng 0,75%; rau tươi, khô và chế biến tăng 2,17%; quả tươi, chế biến tăng 1,16%; bánh mứt kẹo tăng 0,45%...
 
Theo Cục Thống kê thành phố, nhìn chung giá các mặt hàng vẫn ở xu hướng tăng nhưng tốc độ chậm lại. Dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng cao hơn mức tăng tháng trước, ở mức 1,25%. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,65%. Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 0,28%, chủ yếu tập trung giá dịch vụ sữa chữa nhà tăng 1,69%, vật liệu bảo dưỡng nhà tăng 0,13%, nước sinh hoạt tăng 1,08%. Giá nhóm gas và các loại chất đốt giảm 1,44%.

Nhóm giao thông giảm 2,83%, chủ yếu là do nhóm nhiên liệu giảm 7,31% sau 3 lần điều chỉnh giảm giá xăng trong tháng.

Về chỉ số giá vàng, USD, Cục Thống kê thành phố cho biết, trong tháng 7, chỉ số giá vàng giảm 1,72% so với tháng trước; bình quân 7 tháng đầu năm 2022 tăng 18,7% so với cùng kỳ. Chỉ số giá USD tháng 7 tăng 0,33% so với tháng trước; bình quân 7 tháng đầu năm 2022 giảm 0,18% so với cùng kỳ.

A.Tuấn (TTXVN)
Kỳ vọng giá xăng dầu giảm, ‘hạ nhiệt’ chỉ số giá tiêu dùng
Kỳ vọng giá xăng dầu giảm, ‘hạ nhiệt’ chỉ số giá tiêu dùng

Việc giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) kéo theo giảm giá xăng dầu trên 3.000 đồng/lít vừa qua được kỳ vọng sẽ góp phần giảm chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN