Đã quá khuya, trăng chếch bóng về mé tây sông Hoài. Trời lạnh nhiều, sương trắng bàng bạc, bảng lảng, mơ hồ phía chùa Cầu. Có tiếng đàn nguyệt thánh thót như giọt sương rơi, khắc khoải, u hoài, khoan nhặt, âm ba gờn gợn, dặt dìu theo ngọn gió thổi lùa đung đưa những chiếc đèn lồng chao nghiêng. Dải đèn treo chiu hiu như những chiếc lá mùa thu lắt lay, run lẩy bẩy.
Oanh và tôi dừng lại bên bờ sông Hoài. Gió thổi tóc nàng vương vào mặt tôi. Tôi run lên, ngất ngây với mùi hương lạ lùng, đắm say.
“Những đêm trăng đẹp như thế này em không ngủ được!”- Oanh nói.
“!?...”
“Em thấy nó sao ấy… như chìm đắm trong một hạnh phúc lạ lùng rồi tiếc nuối man mác khi vầng trăng lặn về phía núi”.
“Trăng sinh ra từ biển và trở về với núi. Ngắn ngủi một đêm như vòng sinh tử của con người” - Tôi bỗng lãng mạn, cảm thán cho thân phận bọt bèo của kiếp nhân sinh.
“Anh có thuộc thơ của Hàn Mặc Tử không? Đọc cho em nghe với?”.
“Vài câu thôi nhé”- Lòng tôi bỗng dâng lên cảm xúc dạt dào:
“Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà”.
“Thơ của Hàn hay, đẹp nhưng bao giờ cũng man mác nỗi buồn anh hở?” .
Tôi và Kiều Oanh lặng yên, cả hai hình như đồng cảm với những vần thơ của Hàn.
“Gíá như Hàn Mặc Tử còn sống đến ngày nay, ta sẽ có những bài thơ hay hơn nữa của thì hiện tại!”.
Tôi cười:
“Chưa chắc!… Người ta hay nói “thời thế tạo anh hùng”. Mỗi thiên tài thường chỉ phù hợp với không gian, thời gian của mình thôi… Tạo hóa, suy cho cùng là rất công bằng. Ông trời nhiều khi bị người ta oán trách, đổ tội oan… Có thể em hài lòng với hoàn cảnh, hiện tại của mình, còn anh thì không. Cũng có thể ngược lại…”.
Kiều Oanh kéo tay, lườm tôi:
“Anh khôn thấy mồ. Triết lý chung chung huề vốn!”.
“Em cứ xem nghe báo đài, ai họ nói điều gì cũng chừng chừng, giữ kẽ như là đối phó… anh cũng vậy thôi!”.
“Ừ, có thể đó là tính ứng xử của thời nay”.
“Mình đi chơi cửa Đại, rồi qua Bãi Bồi - Oanh nhé?”- Tôi gợi chương trình với Kiều Oanh.
Trăng gần tàn. Cửa Đại đẹp vô cùng. Biển sáng lóng lánh như giát bạc. Gió lay xào xạc những hàng dừa, sóng rì rào đùa đuổi nhau, trào bọt, liếm nhè nhẹ lên bãi cát trắng phau như da thịt người con gái. Có lẽ, đêm thủa hồng hoang trên biển nghìn năm trước vẫn như bây giờ. Vẫn nắng, gió, mưa, trăng… luôn là mãi mãi, hiện hữu trên cõi đời. Tôi miên man trong dòng suy tưởng cùng với Cửa Đại trong đêm trăng. Kiều Oanh nép, ngả nghiêng mái tóc dài đen, lòa xòa vào vai tôi. Tôi hôn nàng - “Nụ hôn Cửa Đại!”- một tình yêu lai láng hòa nhập với thiên nhiên huyền hoặc.
“Kiều Oanh… Anh yêu em!” - Tôi phả hơi thở nhẹ vào tai nàng.
“… Có vội và có thật không anh?!”- Kiều Oanh thổn thức.
“Anh yêu em… chỉ bấy nhiêu thôi!”.
Khuôn mặt trái xoan với cặp lông mày vòng nguyệt hơi đầy đặn của Kiều Oanh ánh ngời lên hạnh phúc. Có lẽ đêm nay không gian lãng mạn, cảnh vật hữu tình xui nàng yêu tôi chăng? Chợt nhiên, lòng tôi đau đáu nhớ đến Mỹ. Mỹ đi học nước ngoài đã ba năm, mỗi năm chỉ về đôi lần ngắn ngủi. Tôi cũng đã từng đi với Mỹ trong những đêm trăng như thế này nơi phố Hội. Mỹ đã cho tôi hết những gì quý giá nhất của người con gái! Bởi vậy tôi yêu phố cổ, mỗi năm tôi day dứt, rạo rực tìm về phố cổ… Nhưng đêm nay, không phải là Mỹ.
x
x x
Kiều Oanh là nhân viên hợp đồng của ngành văn hóa địa phương, làm bảo tồn, bảo tàng tại chỗ. Nhà nàng có phòng cho thuê. Có khách, Kiều Oanh làm thêm công việc hướng dẫn du lịch.
Trong đêm thanh vắng, có tiếng võng đưa kẽo kẹt và những tràng ho khan phía nhà sau của Kiều Oanh:
“Ông xã em đó... Anh ấy bị tai nạn giao thông đã hơn sáu năm nay”.
“Chồng em có bị thương tật gì không?”- Tôi ái ngại hỏi Kiều Oanh.
“Anh ấy là tài xế lái thuê xe khách, dạo nọ lái đêm, xui khiến sao đâm vào xe tải làm chết gần hết cả nhà gái đi đưa dâu!... Chồng em bị gãy hai chân, chấn thương cột sống và bị trầm cảm luôn tới bây giờ!”.
Tôi đi ngang qua người đàn ông tàn phế, râu ria tua tủa, khuôn mặt đầy đặn, trắng bợt bạt, ngơ ngác với miệng cười ngây như trẻ thơ và đôi mắt lạc thần.
“Đưa khách đi chơi Cửa Đại à? Sau không đi đèo Hải Vân ngắm biển. Đẹp lắm!” - người đàn ông chợt cười khanh khách.
“Hải Vân là nơi anh Cường bị tai nạn đấy. Anh ta bị ám ảnh”.
“Mầy lấy trai! …Đ...má! Mầy lấy trai…Con đĩ!…”- Cường gầm, hét toáng lên dữ tợn, thở hổn hển khi tôi và Kiều Oanh đi ngang qua anh ta.
“Anh thông cảm… Anh ấy bị tâm thần… không sao đâu!” - Oanh ngượng, giả lả.
Chợt Cường dịu giọng xuống rất bất ngờ, rất mau: “Đưa khách lên phòng, rồi làm cơm nghe em? Tội nghiệp… đi chơi. Đi chơi gì khuya khoắt quá!” .
Tôi leo lên gác. Kiều Oanh nhắn với: “Anh có cần việc gì gọi em nhé?”- “Cám ơn em!”.
Đã gần sáng. Đêm mùa đông phố Hội thật dài. Tôi mơ màng quấn chăn tới cổ. Bỗng nhớ Mỹ, và lòng nghe nao nao, trống trải. Ước gì được nghe bước chân Kiều Oanh nhẹ nhàng lên cầu thang gác! Rồi tôi cũng mơ màng, chập chờn trong giấc ngủ. Tôi chiêm bao thấy biển Cửa Đại sáng bừng trong nắng mai. Kiều Oanh mặc bikini đùa giỡn trong làn nước biển tinh khôi, da nàng trắng muốt, ram rám chút nắng hồng. Nàng cười quyến rũ, gọi tôi…
Oanh kể cho tôi nghe về thời niên thiếu của nàng:
“Nhà em nghèo lắm! Ba em đi đốn cây mướn trên rừng chẳng may bị cây đè chết… Mẹ em một mình với gánh mì Quảng nuôi ba chị em đang độ tuổi ăn. Cứ thế, thời gian trôi qua. Những đứa lớn lên vừa đi học, vừa đi làm thêm, phụ mẹ, nuôi em. Cuộc sống đều đều với bao khó nhọc. Nhiều mùa xuân với những cái Tết đi qua, chúng em chưa hề biết đến hàng hiệu, áo quần mới. Tụi em chỉ quanh quẩn bên sông Hoài, chùa Cầu với phố cổ. Vui nhất là mùa Vu Lan, đi giựt giàn cúng thí ở hội quán Quảng Đông, Phúc Kiến... Mấy chị em mang gạo, muối, tương chao về cho mẹ. Mẹ mắng yêu: “Bọn bây ăn giựt đồ cúng của cô hồn, sau này khó dạy lắm!”.
Thằng em trai kế của em, năm mới mười sáu tuổi đã theo đám bạn lên miền núi Nam Giang làm phu đào vàng, mong cuộc đổi đời. Mấy chuyến đầu kiếm được chút ít tiền gởi về cho mẹ. Mùa mưa lũ năm ấy, hầm vàng sập, nó bị đất đá vùi thây, chết thảm!... Không đem được thi thể về, nên đành chôn lại trên rừng… Nhỏ Út, lúc cha mất mới ba tuổi, lẽo đẽo theo mẹ bán hàng thấy thương lắm. Bây giờ nó học tận Sài Gòn, nhưng cứ gì không hiểu, xin tiền dữ lắm! Vái cho “hắn” học hành tử tế chứ đừng “hoang” như thằng anh! Học hết cấp Ba, em thi trượt đại học.
Sau em theo bạn bè đi buôn đường dài - Sài Gòn - Hà Nội - Lạng Sơn, có khi qua Lào, Trung Quốc. Rồi em quen Cường, hắn là tài xế, khỏe mạnh, đẹp trai và biết chiều chuộng phụ nữ. Em đã thất thân với hắn trên ca-bin xe tải trong một đêm kẹt đèo ngủ lại trên đỉnh Hải Vân. Từ ấy em và hắn sống như vợ chồng. Em với Cường có một đứa con gái nhưng không may nó bị bạo bệnh mất năm lên ba tuổi. Chính hình bóng đứa bé ấy là sợi dây kết chặt em với Cường đến ngày anh ấy bị tai nạn và cho tới bây giờ! Nhiều lúc em muốn đi chỗ khác, bỏ mặc hắn ta… nhưng không thể được… Thấy hắn tội nghiệp quá!.
“Sao hai người không nói chuyện nữa đi… Thi ơi… Thi ơi… Con đâu rồi? Ba về đây nè… Ba mua nhiều quà cho con nè!” - Cường khóc tồ tồ như đứa trẻ…
Mấy ngày ở Hội An với tôi nhiều kỷ niệm. Kiều Oanh đưa tôi đi chơi hầu như khắp nơi. Một ấn tượng vui, lạ xâm chiếm lòng tôi khi tôi đi ngang qua chùa Cầu và ngoái lại - Chú chó đá trong góc chùa như lưu luyến khách, nhìn tôi chăm chăm. Tôi thầm ngạc nhiên, thán phục người nghệ sĩ điêu khắc tài hoa nào đó đã làm nên tác phẩm bất hủ ấy - Con chó đá chùa Cầu - có lẽ, nếu ai đã một lần qua đây, đã nhìn thấy chú rồi thì chắc khó lòng quên được. - Trước mặt chú có một lư hương nhỏ - thỉnh thoảng, khói nhang nghi ngút - Chú là loài vật nhưng được dân gian thờ cúng nên đã trở thành thần - Linh Cẩu - một vị tướng quân canh giữ an ninh, trật tự cho chùa chiền, miếu mạo, ấp xóm…
x
x x
Gần mười lăm năm, tôi trở về phố cổ. Mỹ sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài, đã có chồng ngoại quốc và định cư nơi ấy. Hội An ngày xưa chỉ còn là kỉ niệm. Đường xá phố Hội bây giờ phong quang, thoáng đãng. Mười lăm năm trôi qua như một giấc mộng với biết bao buồn vui, thay đổi của cuộc đời… Hoa phượng sang hè nở đỏ rực, man mác nơi những góc phố xưa. Sông Hoài vẫn lờ lững trôi, nước ròng phơi bờ bãi với những chiếc thuyền cắm sào giữa dòng trường giang bát ngát. Những mái nhà rêu phong cổ kính, lúa ma mọc lưa thưa trên màng xối, tường vôi ố vàng loang lổ, bợt bạt, buồn buồn trong nắng xế chiều hôm. Chùa Cầu yên ắng. Cặp chó đá vẫn chăm chăm nhìn dòng người qua lại. Nước dưới cầu chảy riu ríu, lơ thơ…
“Xin lỗi cô bé! Cho tôi hỏi thăm?”.
“Dạ….Chú muốn hỏi ai?”.
“Có phải đây là nhà cô Kiều Oanh hồi trước”.
“Dạ phải…”.
“Cô ấy bây giờ ở đâu?”.
“Dì Oanh đã… đi tu ở ngoài cù lao Chàm”.
“Ủa!… À… Vì sao cô ấy lại đi tu?” -Tôi ngạc nhiên, tò mò muốn biết chuyện.
“Dì Oanh có tâm bệnh. Chồng con mất sớm, lại thích chốn thiền lam u nhã, nên dì đã quy y cách đây mấy năm…”.
“Cô là sao với cô ấy?”.
“Dạ, con là cháu ruột gọi dì Oanh bằng dì”.
“Kiều Oanh có thường về đây không?” -Tôi buồn buồn hỏi.
“Ít khi lắm! Mỗi năm dì Oanh chỉ về vào dịp lễ Vu Lan hoặc ngày giỗ Ngoại”.
Tôi từ giã cô bé có đôi mắt đẹp với làn da trắng và mái tóc dài đen mượt - đặc trưng của con gái Hội An - giống như Kiều Oanh thủa ấy. Tôi đi về hướng chùa Cầu ra sông Hoài.
Đêm xuống nhanh. Sương cũng bắt đầu giăng bàng bạc, la đà trên những ngõ phố xưa.
Hội An… Trăng đã mọc từ bao giờ ở đằng đông phía biển.