Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới xây dựng một ngành BHXH với thủ tục hành chính công khai, minh bạch.
Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, từ 114 thủ tục hành chính vào năm 2013, đến nay chỉ còn 28 thủ tục, giảm đến 75% thủ tục.
BHXH Việt Nam cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện giao dịch điện tử đối với cả tổ chức và cá nhân trên tất cả các lĩnh vực; từ thu, cấp sổ thẻ, chi trả, trao đổi cung cấp thông tin; đồng thời triển khai hệ thống một cửa điện tử tập trung về tiếp nhận và quản lý hồ sơ trong giải quyết thủ tục hành chính; khai trương cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam, trong đó cập nhật chế độ, chính sách, tra cứu hồ sơ và thực hiện giao dịch điện tử…
Đđa số các doanh nghiệp được khảo sát đều đánh giá cao sự nỗ lực của BHXH Việt Nam, cũng như BHXH các địa phương. Ảnh: TTXVN |
Qua cuộc khảo sát tại nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng... đa số các doanh nghiệp được khảo sát đều đánh giá cao sự nỗ lực của BHXH Việt Nam, cũng như BHXH các địa phương. Theo đó, các doanh nghiệp đều tỏ ra rất vui mừng vì không phải chen chúc, mất thời gian chờ đợi để xếp hàng lấy số làm thủ tục nộp tiền BHXH, nộp hồ sơ làm thủ tục chi trả...
Đại diện công ty TNHH Long Vĩ (Long An) chia sẻ: Nếu như trước kia doanh nghiệp phải di chuyển 65km lên BHXH Long An để làm thủ tục; thì từ ngày thực hiện giao dịch điện tử, doanh nghiệp gặp rất nhiều thuận lợi, tiết kiệm được chi phí xăng xe, thời gian...
Ngoài giao dịch điện tử, nhiều thủ tục hành chính cũng được BHXH Việt Nam triển khai quyết liệt để tạo thuận lợi cho người tham gia như bỏ chữ ký một năm hai lần với người nhận lương hưu qua ATM, chi trả bảo hiểm trực tiếp vào tài khoản người thụ hưởng BHXH...
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho biết trong 3 năm thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP, môi trường kinh doanh tại Việt Nam liên tục cải thiện, năm 2016 tăng 9 bậc với hầu hết các chỉ số tăng điểm hoặc tăng hạng, là mức cải thiện nhiều nhất kể từ năm 2008 đến nay. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực Việt Nam vẫn đứng sau Indonesia, Brunei.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, cho hay dù đã có cải tiến rất nhiều nhưng hiện chính sách về đóng BHXH còn nhiều khó khăn và vướng mắc. Trong đó, mức nộp BHXH của các doanh nghiệp tại Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn như tỷ lệ đóng góp thực tế của doanh nghiệp về các khoản đóng góp BHXH tại Việt Nam là 22%, trong khi đó các nước như Malaysia là 13%, Philipines là 10 %, Indonesia là 8% và Thái Lan chỉ 5 %.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, gánh nặng BHXH đã gây khó khăn, tăng chi phí nhân công, góp phần giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam so với khu vực và cũng ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoài do làm tăng yếu tố chi phí tiền lương, tiền công.
BHXH là yếu tố nhân văn, tính đến an sinh xã hội, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, nhưng do điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam còn khó khăn, người lao động chỉ lo có thu nhập đủ sống trước mắt, người lao động đóng góp từ tiền lương, tiền công 10,5% nên họ sẵn sàng thỏa thuận với doanh nghiệp để giảm mức đóng bảo hiểm không đúng thu nhập thực tế.
Tại hội thảo "Cải cách thủ tục hành chính và hoàn thiện chính sách BHXH để cải thiện môi trường kinh doanh” diễn ra vừa qua, bà Nguyễn Thị Cúc kiến nghị, các Bộ, ngành liên quan cần sớm trình lên Chính phủ để chính phủ trình ra Quốc hội nghiên cứu sửa đổi giảm tỷ lệ đóng góp BHXH, bởi việc giảm tỷ lệ đóng BHXH nhưng thu theo mức lương thực tế thì quỹ BHXH không giảm mà tính tuân thủ lại tốt hơn.